Giá vàng xuống dốc
Chuyên gia Matt Simpson, nhà phân tích cấp cao tại City Index, cho biết, đồng USD tăng giá đã khiến vàng, được giao dịch dựa trên đồng bạc xanh, trở nên đắt đỏ hơn đối với khách mua bằng các đồng tiền khác, từ đó gây áp lực lên giá của kim loại quý này.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin từ ít nhất sáu quan chức Fed, trong đó Thống đốc Christopher Waller dự kiến sẽ có bài phát biểu về triển vọng kinh tế Mỹ trước Viện Brookings vào lúc 16 giờ ngày 16/1 (theo giờ địa phương).
Theo dự kiến, Fed sẽ có cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2024 vào ngày 30-31/1. Hiện các thị trường đồn đoán nhiều khả năng Fed sẽ giữ ổn định lãi suất sau cuộc họp này và bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng Ba tới.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 23,10 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,8% xuống 907,66 USD/ounce và giá palladium giảm 0,2% xuống 969,14 USD/ounce.
Tại Việt Nam, đầu giờ chiều ngày 16/1, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,00 - 76,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Thị trường dầu biến động trái chiều
Giá dầu thế giới biến động trái chiều trong ngày 16/1, sau khi ghi nhận mức giảm nhẹ trong phiên trước đó.
Khép phiên hôm nay, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3 xu Mỹ, tương đương khoảng 0,04%, lên 78,15 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 23 xu Mỹ, tương đương 0,32%, về mức 72,45 USD/thùng, sau kỳ nghỉ lễ ngày 15/1 của Mỹ.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ nhận định lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn so với dự báo đã đưa ra trước đó đang đè nặng lên tâm lý của các nhà giao dịch, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.
Hơn nữa, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương), ngày 15/1, quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trung hạn cũng thúc đẩy một số lo ngại về nhu cầu dầu từ nước mua lớn nhất thế giới, gây áp lực lên giá dầu.
Trong khi đó, các nhà phân tích thị trường cho biết thời tiết cực lạnh ở Mỹ có thể hạn chế sản lượng khai thác dầu đá phiến và làm ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy lọc dầu lớn.
Sản lượng dầu ở khu vực Bắc Dakota đã giảm 400.000 thùng, xuống còn 425.000 thùng mỗi ngày, do thời tiết cực lạnh và các vấn đề vận hành liên quan.
Nhà phân tích Leon Li của CMC Markets nói tâm lý chờ đợi trên thị trường dầu mỏ tương đối nặng nề, mặc dù những lo ngại về nguồn cung bị thu hẹp do leo thang xung đột địa chính trị tại Trung Đông đã được bù đắp một phần bởi lượng dầu tồn kho ở Mỹ.
Chứng khoán châu Á chạm ngưỡng thấp nhất của một tháng
Chiều 16/1, các thị trường châu Á hầu hết đi xuống, về ngưỡng thấp nhất trong vòng một tháng gần đây, giữa bối cảnh kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đang bị thu hẹp và đồng USD tăng giá.
Trong chiều nay, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã giảm tổng cộng 1,4%, xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2023.
Trên sàn giao dịch Tokyo, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 phá vỡ chuỗi 6 phiên tăng điểm liên tiếp, đóng cửa ở mức 35.619 điểm, giảm 0,8% từ ngưỡng cao nhất trong 34 năm, đạt được vào phiên trước đó.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng trên sàn Hong Kong giảm 1,96%, xuống 15.898,99 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite quay đầu tăng nhẹ 0,27%, lên 2.893,99 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ ngày 15/1 và sẽ cửa trở lại vào ngày 16/1 (theo giờ địa phương). Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán phần lớn chìm trong sắc đỏ, sau khi các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công khai phủ nhận tín hiệu sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Đồng USD trong sáng nay bất ngờ lên giá, đẩy đồng euro giảm khoảng 0,3%, xuống mức đáy của một tuần gần nhất.
Tại Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch chiều 16/1, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,78%, lên mức 1.163,12 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index tăng 0,78% lên 1.163,12 điểm.