Vàng tiệm cận ngưỡng kỷ lục
Giá vàng châu Á đã lấy lại được đà tăng trong phiên giao dịch chiều ngày 29/8 trên các thị trường châu Á, giữa bối cảnh đà phục hồi của đồng USD hạ nhiệt và Mỹ sẽ công bố dữ liệu lạm phát của tháng 7 vào cuối tuần này.
Trong phiên giao dịch chiều nay, giá vàng giao ngay tăng 0,61%, lên 2.517,49 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,53%, đạt 2.514,30 USD/ounce. Cả hai mức giá này đều đang tiệm cận ngưỡng kỷ lục, trong đó giá vàng giao ngay hiện chỉ thấp hơn chưa tới 15 USD/ounce so với mức đỉnh 2.532,05 USD/USD đạt được vào tuần trước.
Hiện tại, mặt hàng kim loại quý màu vàng vẫn đang giao động mạnh quanh mốc kháng cự 2.550 USD/ounce, nhưng có xu hướng sớm xác lập kỷ lục về giá mới, khi niềm tin về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất bắt đầu từ tháng 9 tới ngày càng được củng cố.
Nhu cầu tìm kiếm loại tài sản trú ẩn an toàn cũng tác động đến khả năng phục hồi của giá vàng. Căng thẳng ở Trung Đông đang có rất ít dấu hiệu giảm bớt, trong khi việc tạm dừng hoạt động sản xuất dầu ở Libya đã tạo thêm bất ổn cho khu vực và hỗ trợ giá cả trên các thị trường hàng hóa.
Trọng tâm của các nhà giao dịch trong những ngày tới chủ yếu vẫn là dữ liệu kinh tế từ Mỹ. Dự kiến chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này (30/8). Đây là chỉ số biểu thị mức độ lạm phát và là thước đo ưa thích của Fed.
Theo công cụ đo lường CME Fedwatch, thị trường gần như đồng thuận về ý kiến cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất ngay tại cuộc họp tháng 9, nhưng chia rẽ giữa mức cắt giảm 25 hoặc 50 điểm cơ bản trong lần cắt giảm đầu tiên tới đây.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,46%, đạt 29,57 USD/ounce. Giá platinum tăng 1,%, lên 945,55 USD/ounce, còn giá palladium tăng 1%, chạm ngưỡng 955,7 USD/ounce.
Tại Việt Nam, khép phiên 29/8, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 79,00-81,00 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).
Dầu tăng giá khi lo ngại về rủi ro nguồn cung bùng phát
Chiều ngày 29/8, giá dầu tăng nhẹ, sau hai phiên giảm liên tiếp trước đó. Sự đảo chiều của giá dầu xuất phát từ những lo ngại về rủi ro nguồn cung ở Trung Đông bị thu hẹp, bởi căng thẳng leo thang. Nhưng do lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm ít hơn dự kiến, nên kỳ vọng về nhu cầu dầu cũng không thực sự cao.
Trong phiên chiều nay, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 15 xu USD, tương đương 0,19%, đạt 78,8 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 27 xu USD, tương đương 0,36%, lên 74,79 USD/thùng.
Một số mỏ dầu ở Libya, thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đã buộc phải ngừng sản xuất trong bối cảnh các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này vẫn không ngừng tranh chấp để giành quyền kiểm soát Ngân hàng trung ương Libya (CBL) và nguồn thu từ dầu mỏ.
Sản lượng khai thác dầu của Libya trong tháng 7 là khoảng 1,18 triệu thùng. Theo ước tính sản lượng dầu bị ngừng khai thác có thể ở mức từ 900.000 đến 1 triệu thùng mỗi ngày, với thời gian gián đoạn kéo dài trong vài tuần. Sự vụ này đe dọa gây ra hiệu ứng lan tỏa đến các kế hoạch sản xuất của OPEC và các liên minh, còn gọi là OPEC+.
Các nhà phân tích của ngân hàng ING nhận định việc đóng cửa các giếng dầu tại Libya sẽ giúp OPEC+ có nhiều không gian hơn cho quyết định tăng nguồn cung trong quý IV/2024.
Chứng khoán châu Á đi xuống theo nhịp điệu của Phố Wall
Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch chiều ngày 29/8, theo sau sự đi xuống của thị trường chứng khoán Phố Wall vào sáng nay.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng của nhà sản xuất chất bán dẫn (chip) nổi tiếng toàn cầu Nvidia là nguyên nhân chính khiến các thị trường mất điểm. Bên cạnh đó, giá trị của đồng USD dần ổn định trở lại và đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chuyển hướng tích cực cũng phần nào “lôi kéo” các nhà đầu tư giảm tập trung vào cổ phiếu.
Trong phiên chiều, chỉ số chứng khoán toàn châu Á-Thái Bình Dương MSCI (không bao gồm Nhật Bản) giảm 0,3%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 9,23 điểm, tương đương 0,02%, còn .362,53 điểm. Trong khi chỉ số KSE của Hàn Quốc giảm 91,45 điểm, tương đương 0,12%, xuống 77.992,79 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải mất 14,32 điểm, tương đương 0,5%, dừng ở ngưỡng 2.823,11 điểm. Chỉ số Hang Seng trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong là một trong những chỉ số chứng khoán hiếm hoi của châu Á đã có phiên lội ngược dòng, tăng 85,59 điểm, tương đương 0,48%, lên 17.778,04 điểm.
Nvidia vừa công bố báo cáo tài chính quý II của năm tài khóa 2024 với mức doanh thu đạt kỷ lục 30 tỷ USD, tăng 15% so với quý trước đó và tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của các thị trường.
Tương tự như tại các thị trường khác, các nhà giao dịch cổ phiếu đang chờ đợi một số thông tin kinh tế của Mỹ được công bố vào cuối tuần này và trong tuần sau, để có cái nhìn rõ nét hơn về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và hướng đi lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Các nhà kinh tế dự kiến PCE của Mỹ tăng nhẹ lên 2,6% trong tháng 7, từ mức 2,5% của tháng 6. Việc tỷ lệ lạm phát duy trì mức giảm đáng kể so với con số kỷ lục 7,1% vào giữa năm 2022 và gần trở lại mục tiêu 2% của Fed củng cố kỳ vọng về việc cơ quan này sẽ giảm lãi suất ngay trong tháng 9 tới.
Tại Việt Nam, đóng của phiên giao dịch ngày 29/8, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (0%) lên 1.281,47 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,35 điểm (0,15%) còn 237,88 điểm.