Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 2,5% xuống 2.330,51 USD/ounce, ghi dấu mức giảm trong ngày lớn nhất trong hơn một năm. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tại Mỹ giảm 2,8% xuống đóng phiên ở mức 2.346,4 USD/ounce.
Chiến lược gia Daniel Ghali tại công ty chứng khoán TD Securities, nhận định nguy cơ xảy ra các hành động tấn công trả đũa tại Trung Đông đã được loại bỏ. Điều này đã thu hút một số hoạt động bán vàng.
Kim loại quý này cũng chịu sức ép khi các chỉ số chính trên chứng khoán Phố Wall tăng cao hơn, làm giảm nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn.
Căng thẳng địa chính trị cùng với lực mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce vào ngày 12/4. Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ công bố ngày 26/4 để tìm kiếm dấu hiệu về triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chiến lược gia Ghali nhận định giá vàng có thể trở lại mức cao kỷ lục trong trường hợp báo cáo PCE bất ngờ cho thấy lạm phát hạ nhiệt.
Tại Việt Nam, chiều 22/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 81,00-83,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).