Theo các chủ trang trại, sau khi trừ chi phí, người chăn nuôi bắt đầu có lãi. Tuy nhiên hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi vẫn e dè tái đàn chuẩn bị cho thị trường cuối năm, nguyên do tình hình thời tiết bất lợi trong giai đoạn chuyển mùa và dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Ông Lê Tiến Dũng, ở Thanh Ba, Phú Thọ đang rất phấn khởi vì chuẩn bị xuất bán lứa lợn 10 con được giá từ 57.000 – 58.000 đồng/kg lợn hơi. Đây là lứa lợn đầu tiên mà ông Dũng được thu lời kể từ đầu năm 2023 đến này. Theo tính toán của ông Dũng, với giá lợn như hiện tại sau khi trừ chi phí 1 con lợn lãi gần 500.000 đồng. Tuy nhiên, không vì thế mà ông vội xuất bán hay tăng “nóng” đàn lợn nuôi. Việc tái đàn lợn cho vụ cuối năm cũng được ông tính toán thận trọng, chỉ duy trì khoảng 20 con.
Ông Dũng cho biết thêm, giá lợn hơi hiện nay ở tầm 56.000 - 58.000 đồng/kg, trong khi chi phí nuôi 1 con lợn từ 5,4 - 5,5 triệu đồng nên sau khi xuất bán mỗi con lợn chỉ lãi khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Thời gian qua giá thị trường khi lên khi xuống không biết thế nào, nên gia đình chỉ dám duy trì đàn lợn như năm trước.
Tương tự ông Dũng, bà Hoàng Thị Thái, ở Tân Yên, Bắc Giang cho biết, giá lợn tăng khiến người chăn nuôi phấn khởi song vẫn còn nhiều nỗi lo. Đây cũng là tâm trạng chung của khá nhiều hộ nuôi lợn ở Bắc Giang hiện nay.
Theo kinh nghiệm của bà Thái, xu hướng thị trường nhiều năm qua cho thấy giá lợn có xuống rồi sẽ lại tăng, mặt hàng nào khi khan hiếm sẽ đội giá, khi nguồn cung nhiều giá lại giảm. Việc không vội tăng lượng nuôi hay tái đàn không chỉ vì tâm lý e ngại, mà đó còn là kinh nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi.
“Hiện nay gia đình tôi chưa dám mạnh dạn tăng đàn vì giá cả lên xuống không ổn định, chỉ lợn nhà đẻ ra hơn 20 con nuôi vậy thôi. Gia đình tôi đang tính toán để quyết định nhập thêm đàn, vì bây giờ dịch bệnh cũng đã xuất hiện”, bà Thái băn khoăn.
Theo một số hộ chăn nuôi cho thấy, dù giá lợn hơi đang ổn định, người chăn nuôi có lãi nhưng không tích cực tái đàn do đang là cao điểm mùa mưa, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến khó lường. Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi dù giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với trước, đẩy chi phí chăn nuôi tăng lên. Thời điểm hiện nay, tính trung bình giá lợn xuất chuồng phải trên 53.000 đồng/kg người nuôi mới hòa vốn, chính vì vậy hộ chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc tái đàn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, nguồn cung từ các trang trại trong nước vẫn nhiều, trong khi sức mua vẫn yếu, chưa thể tăng theo kịp do người dân tiết kiệm chi tiêu. Theo ông Dương, tình hình tiêu thụ lợn những tháng cuối năm có thể sẽ cải thiện hơn khi bước vào mùa lễ hội. Hơn nữa, hiện nay cơ cấu chăn nuôi đã thay đổi, các trang trại chăn nuôi của nông dân chỉ chiếm từ 20 - 30% tổng đàn lợn của cả nước, còn các công ty chiếm tới 70 - 80% tổng đàn. Các công ty không thể tính toán như nông dân được, mà họ sẽ phải tính đường dài trong chăn nuôi. Vì thế, khó xảy ra nguy cơ thiếu thịt lợn.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo thông lệ, để phục vụ nhu cầu thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, thông thường đến tháng 9, tháng 10 hàng năm thì doanh nghiệp, người chăn nuôi mới tái đàn để đảm bảo thời gian xuất chuồng. Đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại vẫn khá ổn định. Hiện tổng đàn lợn của cả nước là 28,6 - 28,7 triệu con. Với tỷ lệ đàn lợn hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thị lợn của thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, kể cả dịp Tết nguyên đán.