Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 5 xu Mỹ (0,1%) lên 93,98 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 15 xu Mỹ (0,2%) lên 90,92 USD/thùng.
Nhà phân tích Tina Teng của trung tâm CMC Markets cho biết, chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc, số liệu kinh tế lạc quan của Mỹ và việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (còn gọi là OPEC+) cắt giảm sản lượng liên tục là những yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng giá của thị trường dầu mỏ.
Dầu Brent và WTI đã tăng trong ba tuần liên tiếp, chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung đến cuối năm nay, như một phần trong kế hoạch của OPEC+. Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc tăng sản lượng, nhờ xuất khẩu tăng mạnh cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Cả hai loại dầu này cũng đang trên đà đạt mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine vào quý I/2022.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết, việc cắt giảm sản lượng, do Saudi Arabia dẫn dắt, đã ổn định thị trường trong tháng 7/2023, nhưng hiện có khả năng đẩy thị trường vào tình trạng thiếu 2 triệu thùng/ngày trong quý IV/2023. Dự trữ dầu tiếp tục giảm trong quý IV/2023 khiến dầu mỏ có thể tăng giá hơn nữa vào năm 2024.
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trên đà đạt 2,1 triệu thùng/ngày, phù hợp với dự báo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC.
Các nhà giao dịch sẽ theo dõi quyết định của ngân hàng trung ương các nước, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), về chính sách lãi suất trong tuần này.