Nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Ất Tỵ dồi dào

Chiều 14/1, Bộ Công Thương đã làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về công tác đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Các doanh nghiệp khẳng định đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng khan hàng tăng giá, tuy nhiên, cơ quan quản lý cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Chú thích ảnh
Buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội về công tác đảm bảo hàng hóa phục vụ tết nguên dán Ất Tỵ. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Để chuẩn bị cho cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành công thương Hà Nội cùng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang tích cực chuẩn bị hàng hóa. Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5 - 20% theo từng mặt hàng; tại các điểm bán hàng lượng hàng hóa đã được tăng cường từ 30 - 35% sẵn sàng phục vụ của người dân.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để chủ động nguồn hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết, năm 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã tạo điều kiện trên 600 lượt doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh tham gia giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Qua đó đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 3.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối, hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố. Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp đã khai thác đa dạng nguồn cung, đảm bảo chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố xây dựng, phát triển và duy trì 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn, cung ứng cho thành phố Hà Nội, qua đó góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, nhất là trong dịp Tết.  

Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, đến nay đã có 22 doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 10.600 điểm bán. Trong số đó, có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, Hapro…

Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5 - 20% tùy từng mặt hàng; tại các điểm bán hàng, lượng hàng hoá đã được tăng cường từ 30 - 35% sẵn sàng phục vụ nhân dân; trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm khoảng 85 - 90%.

"Đặc biệt, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra", ông Nguyễn Thế Hiệp thông tin.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp cam kết hàng hóa dồi dào, không tăng giá trong dịp trước, trong và sau tết. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Các doanh nghiệp cũng cam kết giữ nguyên giá, không tăng giá trong dịp trước, trong và sau tết. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam (quản lý siêu thị GO!, Big C), thông tin các siêu thị trực thuộc đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh tết từ rất sớm và dành nhiều ưu đãi giảm giá, chính sách "khóa giá", không tăng giá đối với hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng nhanh từ 6 tuần trước Tết Nguyên đán 2025. Central Retail Việt Nam chuẩn bị lượng hàng thực phẩm tươi sống cung ứng dịp tết sắp tới tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Central Retail sẽ hợp tác với các nhà cung cấp trên toàn quốc giao hàng xuyên tết, bảo đảm nguồn cung ứng cho cả trước và sau tết đầy đủ nhất, kể cả với các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Tương tự, Trưởng phòng Marketing - Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce chi nhánh Hà Nội Hà Thị Thu Trang cho hay, dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường, nên hệ thống siêu thị Winmart đã chủ động dự trữ hàng hóa từ sớm với lượng dự trữ tăng từ 10 - 20%, bảo đảm lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết. Đặc biệt đối với những mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gà, rau củ quả, các loại gia vị hay các mặt hàng có lượng tiêu thụ cao trong dịp Tết như bánh mứt kẹo, đồ uống..., phía siêu thị đã chủ động dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung và duy trì mức giá ổn định trong suốt dịp Tết.

"Các mặt hàng phục vụ Tết năm nay rất phong phú và đa dạng, với hơn 90% là hàng hóa nội địa và 10% còn lại nhập khẩu từ các nhà cung cấp quốc tế uy tín. Các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc nói chung và chi nhánh ở thành phố Hà Nội nói riêng sẽ hoạt động tới 12 giờ ngày 29 Tết và mở bán trở lại vào ngày mùng 4 Tết" - bà Thu Trang cho biết.

Còn theo bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung Công ty TNHH Aeon Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của khách hàng trong dịp Tết, Aeon Việt Nam đặt mục tiêu đảm bảo nguồn hàng dồi dào và ổn định mức giá, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu. Đến thời điểm hiện tại, quá trình đặt hàng đã được hoàn tất. dự trữ hàng hóa năm nay tăng khoảng 5%. So với các thời điểm khác trong năm, lượng dự trữ hàng hóa cao hơn từ 20 - 30%, thậm chí tăng đến 50% đối với các sản phẩm được ưa chuộng trong Tết, như lạp xưởng.

Aeon Việt Nam cũng cam kết duy trì giá cả hợp lý và cung cấp nhiều lựa chọn đa dạng cho khách hàng. Về chủng loại sản phẩm, công ty đã tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, thịt bò, rau củ quả, trái cây, bánh mứt, bia, và nước giải khát, đồng thời có đa dạng sản phẩm thức ăn chế biến sẵn như bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả, cùng các sản phẩm sơ chế sẵn như combo lẩu, nướng... mang đến sự tiện lợi cho khách hàng. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo khách hàng có trải nghiệm mua sắm thuận lợi và đầy đủ nhất trong mùa Tết.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp cam kết hàng hóa dồi dào, không tăng giá trong dịp trước, trong và sau tết. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, để phục vụ Tết Ất Tỵ 2025, ngay từ sớm công ty đã liên hệ với các vùng trồng nguyên liệu trong nước để đặt hàng các nguyên liệu bảo đảm chất lượng với giá cả hợp lý, bảo đảm số lượng cung ứng hàng Tết. Dự kiến đưa ra thị trường 450 tấn bánh, mứt, kẹo phục vụ nhân dân Thủ đô, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hoá cho các đại lý cấp 1 trên địa bàn thành phố, tham gia các hội chợ đưa hàng đến các vùng xa, khu vực ngoại thành, các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thế Hiệp cho hay, Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.

Nam Giang (TTXVN)
Sức mua hàng Tết đang 'nóng'
Sức mua hàng Tết đang 'nóng'

Sáng 13/1, Đoàn công tác của Bộ Công Thương, do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN