Thị trường gạo châu Á
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá 528 - 536 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước. Một nhà xuất khẩu ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, cho biết thị trường không có nhiều biến động, trong đó người mua đang trì hoãn mua hàng vì giá gạo đang được điều chỉnh tại tất cả các nước xuất khẩu lớn.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên 588 - 595 USD/tấn, từ mức 580 - 585 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết giá gạo sẽ vẫn ở mức cao nhờ lực đẩy từ nhu cầu và hoạt động trong nước. Bên cạnh đó, hạn hán cũng có thể khiến giá gạo duy trì ở mức cao.
Còn tại Việt Nam, các thương nhân cho biết gạo 5% tấm được chào bán ở mức 577 - 580 USD/tấn vào ngày 2/5, tăng nhẹ so với một tuần trước đó, và giá gạo vẫn ổn định trong kỳ nghỉ lễ kéo dài từ 29/4 - 1/5.
Trong khi đó, ở Bangladesh, đợt nắng nóng kéo dài do nhiệt độ cao và lượng mưa thấp có thể ảnh hưởng đến vụ mùa lúa gạo ở khu vực trồng lúa chính của nước này vào mùa hè năm nay.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá đậu tương và ngô kỳ hạn tại Sàn giao dịch Chicago (CBOT) đồng loạt tăng trong phiên 2/5 và hướng tới tuần tăng giá thứ hai liên tiếp, do lũ lụt gây gián đoạn hoạt động thu hoạch tại Brazil, nước xuất khẩu hàng đầu, và dịch rầy xanh đục thân tác động tiêu cực đến mùa màng ngô của Argentina.
Trong khi đó, giá lúa mỳ kỳ hạn cũng tăng, nhưng đang hướng tới mức giảm theo tuần, do các nhà giao dịch bớt lo ngại rằng thời tiết khô hạn ở Nga và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và nguồn cung.
Giá đậu tương trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất trên sàn CBOT tăng 0,5% lên 12,045 USD/ bushel, trong khi ngô tăng 0,7% lên 4,6275 USD/bushel và lúa mỳ tăng 1,2% lên 6,1125 USD/ bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg). Giá đậu tương đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 26/3, và đang hướng tới mức tăng 2,3% theo tuần. Giá ngô cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 8/1, và tăng 2,8% trong tuần qua. Trong khi đó, lúa mỳ giảm 1,8% so với mức đóng cửa của phiên cuối tuần trước.
Tuy nhiên, giá cả ba mặt hàng này đều dao động gần mức thấp nhất bốn năm ghi nhận đầu năm nay do nguồn cung dồi dào, và các nhà đầu cơ vẫn đang đặt cược vào khả năng giá giảm.
Vụ mùa tại Rio Grande do Sul, bang sản xuất đậu tương lớn thứ hai và ngô lớn thứ sáu của Brazil, đã bị lũ lụt tàn phá khi đang trong giai đoạn thu hoạch cuối cùng. Trong khi đó, thời tiết nóng và khô ở miền trung Brazil đang gây thiệt hại cho vụ mùa ngô đang gần đến thời kỳ thu hoạch và ở giai đoạn phát triển quan trọng.
Ngoài ra, do tình trạng lây lan của rầy xanh và thời tiết bất lợi, sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires đã giảm 3 triệu tấn trong ước tính sản lượng ngô vụ 2023/24 của Argentina xuống còn 46,5 triệu tấn. Argentina là nước xuất khẩu ngô lớn thứ ba thế giới.
Tuy nhiên, dự báo mưa ở Mỹ và Canada đang cải thiện triển vọng sản lượng ở các nước này này, bù đắp cho tình hình ở Nam Mỹ.
Thị trường cà phê thế giới
Trong phiên giao dịch ngày 3/5, cà phê Arabica giao tháng Bảy đóng cửa giảm 5,35 xu Mỹ/pound xuống 200,75 USD/pound (1 pound bằng khoảng 0,45 kg), còn cà phê Robusta đóng cửa giảm 139 USD/tấn xuống 3.541 USD/tấn.
Giá cà phê phiên này kéo dài đà giảm mạnh trong tuần này và đạt mức thấp nhất trong một tháng qua. Nguồn cung cà phê toàn cầu tăng đang gây áp lực giảm giá, sau khi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) mới đây cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng Ba tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 12,99 triệu bao, và xuất khẩu cà phê toàn cầu tính từ tháng 10/2023 - 3/2024 tăng 10,4% so với cùng kỳ một năm trước lên 69,16 triệu bao.
Giá cà phê còn giảm sau khi tồn kho cà phê Arabica do Sàn giao dịch hàng hoá liên lục địa (ICE) giám sát tăng lên mức cao nhất trong một năm và tồn kho cà phê Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng qua trong ngày 3/5.
Còn tại Việt Nam, giá cà phê ngày 4/5 dao động từ 109.500 - 110.200 đồng/kg, giảm 8.000 đồng so với hôm qua. Lâm Đồng là địa phương có giá cà phê thấp nhất, cao nhất là ở Đắk Nông.