Reuters: ECB sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 9

Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng Chín tới, để tránh làm tổn thương hơn nữa các nền kinh tế thành viên, vốn đang "vật lộn" để tăng trưởng.

Chú thích ảnh
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong số 70 nhà kinh tế tham gia khảo sát, 37 người, tương đương 53%, dự đoán rằng sẽ không có quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp của ECB ngày 14/9. Điều đó có nghĩa là ECB sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 3,75%, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định, đến cuối năm 2023, lãi suất sẽ có thể vẫn tiếp tục tăng, do lạm phát giữ ở mức cao.

Kể từ tháng 7/2022, ECB đã liên tục có 9 đợt tăng lãi suất. Nhưng sau khi tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong tháng Bảy, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã bắt đầu “dọn đường” cho việc “đóng băng” lãi suất, bằng việc đưa ra một số nhận định mang tính báo hiệu.

Nước Đức - nền kinh tế số một của EU - đang chứng kiến hoạt động kinh tế giảm tốc. Bà Lagarde cho biết dữ liệu kinh tế sắp được công bố sẽ là cơ sở quan trọng để ECB đưa ra các quyết định trong tương lai.

Đánh giá về triển vọng lãi suất, 53% số chuyên gia tham gia khảo sát dự báo rằng lãi suất tiền gửi sẽ tăng lên 4% trong năm nay. Chiến lược gia về kinh tế vĩ mô tại ngân hàng Rabobank, Bas van Geffen, nhận định ECB hướng tới việc dừng chính sách thắt chặt tiền tệ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, để lạm phát giảm, ngân hàng này sẽ buộc phải tăng lãi suất vào cuối năm nay.

Các nhà kinh tế nhận định rằng hành động của ECB phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế thực tế. Dữ liệu sơ bộ, công bố vào tuần trước, cho thấy lạm phát lõi của Khu vực đồng euro (Eurozone), không bao gồm lương thực và năng lượng, đứng ở mức 5,5% trong tháng Bảy. Trong khi đó, lạm phát toàn phần giảm nhẹ xuống còn 5,3%, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2%.

Theo kết quả cuộc thăm dò của Reuters, lạm phát cơ bản của EU được dự báo ở mức trung bình 5% trong năm 2023 và 2,9% trong năm 2024. Các nhà kinh tế đánh giá lạm phát khó có thể trở về mức mục tiêu 2% trước năm 2025 và hơn 90% chuyên gia cho rằng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào diễn ra trước quý II/2024.

Áp lực tăng giá - ban đầu xuất phát từ chi phí năng lượng cao - nay đã "ngấm" vào nền kinh tế rộng lớn hơn và tiếp tục đè nặng lên nhu cầu của người tiêu dùng. Trong số các quốc gia thành viên của EU, Đức là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và giá năng lượng cao, gây khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế khu vực đồng euro.

Cuộc khảo sát cho thấy nền kinh tế Eurozone được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt là 0,1% và 0,2% trong quý III/2023 và quý IV/2023, sau đó đạt mức tăng trưởng trung bình 0,9% trong cả năm 2024. Theo chuyên gia kinh tế của ngân hàng Deutsche, Michael Kirker, nền kinh tế sẽ trì trệ trên diện rộng trong vài quý tới, do Eurozone phải đối mặt với một số trở ngạị như tình trạng bất ổn gia tăng, tác động có độ trễ của chu kỳ thắt chặt tiền tệ của ECB và sự hỗ trợ tài chính giảm.

Diệu Linh (Theo Reuters)
Chủ tịch ECB để ngỏ 2 kịch bản về chính sách lãi suất
Chủ tịch ECB để ngỏ 2 kịch bản về chính sách lãi suất

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể tăng lãi suất lần nữa hoặc dừng chu kỳ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tới và bất kỳ quyết định nào của ECB đều sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế mới nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN