Giá ô tô không có nhiều biến động mặc dù số lượng xe bán ra giảm mạnh trong tháng qua. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Tuy nhiên, doanh số bán hàng toàn thị trường ngay tháng đầu năm 2017 lại giảm đến gần 40% so với tháng liền trước – tháng có doanh số cao, góp phần cho thị trường ô tô Việt Nam đạt mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sau khi doanh số bán hàng tháng cuối năm 2016 đạt 33.295 xe, nâng tổng doanh số bán hàng cả năm qua lên hơn 304.000 xe, đạt mức kỷ lục mới trong suốt 20 năm qua của toàn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thì bước sang tháng 1/2017 doanh số chỉ đạt 20.232 xe, giảm 39% so với tháng liền trước. Điều đáng chú ý, doanh số bán ô tô tháng đầu năm đều giảm ở các phân khúc, giảm mạnh nhất là xe chuyên dụng (64%), tiếp đến là phân khúc xe thương mại và xe du lịch với con số lần lượt 45 và 34%.
Lý giải việc doanh số bán xe giảm mạnh trong tháng qua, giới chuyên doanh xe cho rằng có rất nhiều yếu tố. Theo đó, gần nửa cuối tháng 1 dương lịch trùng với dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu nên ít người mua sắm trong dịp này.
Bên cạnh đó, để đón đầu xu hướng giảm thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN từ 40% xuống còn 30% có hiệu lực từ 1/1/2017, ngay từ tháng 11 và 12/2016 nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay ưu đãi giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/xe để đẩy doanh số bán hàng trước năm 2017.
Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng còn có tâm lý chờ đợi mua xe nhập khẩu nguyên chiếc khi thuế suất thuế nhập khẩu xe từ khu vực này còn 0% vào đầu năm 2018 với giá giảm hơn khiến doanh số bán xe trong tháng qua giảm mạnh như trên.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2017, lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ khu vực ASEAN tăng đột biến, đến 233,8% so với cùng kỳ, đạt 3.408 chiếc, chiếm 62,8% lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu của cả nước.
Điều đáng chú ý, chỉ trong tháng đầu năm 2017, lượng xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ từ khu vực này nhập về Việt Nam đã bằng 45% tổng lượng nhập xe của cả năm 2016 và chỉ có xuất xứ Thái Lan và Indonesia. Theo đó, lượng xe từ Thái Lan nhập về đạt 1.585 chiếc, trị giá 31 triệu USD, tăng 55% về lượng và tăng 209% trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, nếu như tháng 1/2016 xe nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam chỉ vỏn vẹn 1 chiếc; hay cả năm 2016 là 375.000 chiếc thì chỉ riêng tháng 1/2017, lượng xe nhập từ thị trường này tăng đột biến, đạt 1.823 chiếc, với trị giá 35 triệu USD.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2017 cả nước nhập khẩu gần 7.400 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng trị giá 153 triệu USD, tăng 25,5% về lượng và tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. ASEAN vẫn là thị trường cung cấp ô tô nguyên chiếc các loại lớn nhất cho Việt Nam; trong đó, Thái Lan cung cấp 2.605 xe, tiếp theo là Inđônêxia với 1.823 xe và Ấn Độ với 1.006 xe các loại.
Phân tích nguyên nhân xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN về Việt Nam tăng mạnh trong tháng qua, Tổng cục Hải quan cho biết, từ ngày 1/1/2017 thuế suất thuế nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi từ khu vực ASEAN được giảm 10%, từ mức 40% còn 30% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2016-2018 khiến lượng xe nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam tăng đột biến.
Tính trung bình theo trị giá nhập khẩu (chưa tính các khoản thuế), giá xe nhập từ khu vực ASEAN vào khoảng 20.000 USD/xe, rẻ hơn so với giá bình quân 26.660 USD/xe so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo tính toán của doanh nghiệp, với việc giảm 10% thuế nhập khẩu, giá bán lẻ nhiều loại ô tô chỉ có thể giảm được 6-7% bởi về Việt Nam giá bán xe còn phải chi phối nhiều yếu tố như chi phí bán hàng, marketing hay tỷ giá, lợi nhuận của doanh nghiệp nên giá xe không giảm tương ứng.
Sau khi các doanh nghiệp mạnh tay giảm giá bán xe trong tháng 1, bước sang tháng 2/2017, chỉ một vài doanh nghiệp ô tô trong nước công bố chương trình giảm giá theo thuế. Đầu tháng 2, Toyota Việt Nam (TMV) công bố giảm giá bán lẻ mẫu xe Yaris nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan với mức giảm từ 44 đến 47 triệu đồng. Ngoài ra, do tác động giảm thuế nhập khẩu theo hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản, Lexus Việt Nam (TMV) cũng giảm giá mẫu xe Lexus nhập khẩu từ Nhật Bản với mức giảm từ 70 đến 210 triệu đồng do giảm thuế hàng năm theo lộ trình gia nhập WTO.
Cũng nằm trong xu hướng này, sau các chương trình ưu đãi từ vài chục đến gần 200 triệu đồng cho khách hàng mua xe Kia và Mazda trước Tết Nguyên đán, bước tháng 2, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) tiếp tục giảm giá hầu hết các mẫu xe Mazda 2, 3, 6, CX-5 và BT-50 với mức giảm thấp nhất 15 triệu đồng và cao nhất lên đến 140 triệu đồng.
Thaco cho biết, việc giảm giá này do tỷ giá đồng yên Nhật đang có lợi thế, giúp đơn vị có điều kiện giảm giá bán xe cho khách hàng. Hơn nữa, việc giảm giá bán xe còn giúp đơn vị tăng doanh số bán hàng kéo theo đó là gia tăng sản lượng, cắt giảm thêm một phần chi phí sản xuất để có giá xe cạnh tranh trong tình hình hiện nay…
Liên quan đến bán giá xe, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An - đơn vị nhập khẩu xe ô tô và nhiều doanh nghiệp khác cho rằng, năm năm 2017 là năm “giáp hạt”, chuyển tiếp năm 2018 - khi thuế suất thuế nhập khẩu còn 0% nên thị trường ô tô năm nay có giảm giá nhưng mức giảm không nhiều và cũng không có nhiều biến động lớn.
Đây có lẽ cũng là một trong những lý VAMA đã khiêm tốn đưa ra dự báo thị trường ô tô năm 2017 có thể tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, con số quá khiêm tốn so với mức tăng trưởng 24% của năm 2016.
Theo ông Tuấn, những doanh nghiệp có điều kiện giảm giá đã tranh thủ mùa mua sắm cao điểm trong năm, giảm giá kịch sàn từ trước Tết Nguyên đán (tháng 11 và 12 của năm 2016) nên nay khó có thể giảm tiếp. Một số doanh nghiệp khác chưa công bố về việc giảm giá bán xe nhưng sớm muộn cũng phải thực hiện nếu không họ sẽ bị mất thị phần hay giảm doanh số bán xe.
Điều đáng chú ý, các liên doanh vừa là nhà sản xuất lắp ráp nhưng cũng vừa là nhà độc quyền nhập khẩu các thương hiệu của mình nên họ sẽ không nhập những mẫu xe có khả năng cạnh tranh với mẫu xe của mình đang lắp ráp trong nước. Bởi đây là những mẫu không chỉ có doanh số bán tốt ở Việt Nam mà thuế nhập khẩu linh kiện cho lắp ráp chỉ 15-25%, thấp hơn đáng kể so với thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Trong xu hướng này, các hãng như Toyota hay Honda có thể chỉ tập trung sản xuất một vài mẫu xe đang có doanh số lớn ở Việt Nam như Vios, Innova hay City và đến năm 2018 sẽ chuyển sang nhập khẩu, bởi thuế phụ tùng, linh kiện quá cao, chưa kể chi phí đóng gói, vận chuyển, trong khi thuế nhập xe nguyên chiếc chỉ 0%.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho hay, đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN còn 0%, cùng với đó là các mẫu xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống được giảm thêm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 40% hiện nay xuống còn 35%) nên người dân đang có tâm lý chờ đợi để mua xe nhập khẩu giá rẻ, dòng xe lại đa dạng hơn. Bởi mua xe năm nay đăng ký xong có thể lỗ từ 50 triệu và đến năm 2018 có thể lỗ đến vài ba trăm triệu đồng. Còn hiện tại, người nào có điều kiện vẫn mua xe mới, còn không họ sẽ mua xe cũ để giảm bớt khâu hao.
Ông Nguyễn Tuấn và nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, năm 2017 là năm “giáp hạt”, là một năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nên họ “án binh bất động” để nghe ngóng chính sách mới của nhà nước cũng như giá công bố bán xe của các hãng trong năm 2018 doanh nghiệp mới có thể xây dựng kế hoạch cho riêng mình...