Thanh khoản giảm sâu, VN-Index lấy lại mốc 1.250 điểm

Dòng tiền vào thị trường chứng khoán ngày càng suy giảm và dường như nhà đầu tư có tâm lý nghỉ Tết sớm. Những phiên giao dịch tỷ USD hiện nay không còn xuất hiện.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Cùng với sự thận trọng của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng liên tiếp bán ròng khiến chỉ số VN-Index mãi “chật vật” trong vùng từ 1.200 - 1.300 điểm.

Chốt phiên giao dịch 8/1, VN-Index tăng 4,07 điểm lên 1.251,02 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 445,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 10.206,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 236 mã tăng giá, 153 mã giảm giá và 74 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,89 điểm lên 221,87 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 37,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 605,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 90 mã tăng giá, 65 mã giảm giá và  52 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,54 điểm lên 93,54 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 75,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 880 tỷ đồng. Toàn sàn có 1 mã tăng giá, 111 mã giảm giá và 90 mã đứng giá.

Rổ cổ phiếu VN30 có 17 mã tăng giá, 6 mã giảm giá và 7 mã đứng giá. Tuy số mã tăng giá áp đảo, nhưng chỉ số VN30-Index cũng chỉ tăng nhẹ 1,35%. Các mã tăng mạnh nhất trong rổ VN30 như SSB tăng 1,79%, POW và MWG đều tăng 1,75%, MSN tăng 1,35%, TCB tăng 1,27%, GVR tăng 1,24%, BVH tăng 1,23%, PLX tăng 1,06%. Ở chiều giảm giá có HDB giảm 3,92%, FPT giảm 1,2%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tích cực khi chỉ còn duy nhất TOS giảm giá, trong khi các mã OIL, PLX, POS, PVB, PVC đều ở chiều tăng giá.

Sắc xanh cũng tràn ngập tại nhóm bảo hiểm. Các mã ABI, BLI, BVH, MIG, PRE, PTI, PVI, VNR đều ở chiều giá xanh. Nhóm ô tô và phụ tùng, chứng khoán diễn biến khá nổi bật với số mã tăng chiếm ưu thế.

Khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng 456 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại bán ròng 439 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh trên HOSE là FPT (gần 230 tỷ đồng), STB (70 tỷ đồng) và VTP (56 tỷ đồng).

Khối ngoại cũng bán ròng 30 tỷ đồng trên sàn HNX và chỉ mua ròng 13 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.

Trong 21 tháng trở lại đây, chỉ duy nhất tháng 1/2023, khối ngoại ngừng bán ròng. Riêng trong năm 2024, giá trị bán ròng trên HOSE vượt hơn 90.000 tỷ đồng, con số kỷ lục trong lịch sử hoạt động của thị trường.

Ở mặt tích cực, thị trường chứng khoán vẫn đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.  Đến cuối tháng 12, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tổng cộng hơn 9,2 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen năm 2025, phát biểu chỉ đạo tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025 (ngày 2/1), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tin tưởng với sự nỗ lực của Chính phủ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và những giải pháp được triển khai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2025 phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ.

Văn Giáp (TTXVN)
Những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán đầu năm 2025
Những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán đầu năm 2025

Trong tháng 1, dòng tiền có thể tìm đến những cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV năm 2024 tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô cả năm 2024 cũng sẽ được công bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN