Thị trường nông sản: Giá lúa chững lại đà giảm

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự chững lại đà giảm. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu vẫn giảm. Không chỉ Việt Nam, tại các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới khác cũng giao dịch chậm do vào các kỳ nghỉ lễ.

Chú thích ảnh
Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 7.400 - 7.600 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; nhiều loại khác có giá tương đối ổn định so với tuần trước như lúa OM 5451 từ 8.300 - 8.500 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) 8.800 đồng/kg; tương tự OM 18 (tươi) cũng ổn định từ 8.700 - 8.800 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 16.000 - 17.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg…

Gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 9.050 - 9.150 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 từ 10.600 - 10.800 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.900 - 8.000 đồng/kg. Giá tấm thơm ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; giá cám khô ở mức 6.000 - 6.500 đồng/kg.

Nhìn lại năm 2024, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, sản lượng lúa cả năm đạt gần 43,7 triệu tấn, tăng 0,4% so với năm 2023. Mặc dù, diện tích sản xuất giảm 6.800 ha (giảm 0,1%) nhưng năng suất đạt 61,4 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha (tăng 0,5%); đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gạo lần đầu tiên đạt 9 triệu tấn.

Về xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm được chào bán ở mức 473 USD/tấn, giảm so với mức 485 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoạt động giao dịch vẫn chậm do kỳ nghỉ lễ. Các thương nhân nhận định hoạt động giao dịch sẽ vẫn yếu cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Chung xu hướng đó, giá gạo của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã giảm tuần thứ ba liên tiếp xuống mức thấp nhất trong 17 tháng qua, trong bối cảnh nhu cầu yếu và đồng rupee giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.

Một đại lý ở Kolkata thuộc một công ty thương mại toàn cầu cho biết, nhu cầu từ cả người mua châu Á và châu Phi đều yếu do kỳ nghỉ lễ Năm mới. Tuy nhiên, đại lý này cũng dự đoán nhu cầu có thể sẽ tăng trở lại vào tuần tới.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 436 - 442 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 439 - 445 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được chào ở mức từ 440 - 449 USD/tấn.

Trong khi đó, các thương nhân ở Thái Lan cho biết thị trường đang dự đoán xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm trong năm nay do Ấn Độ gia tăng xuất khẩu. Một thương nhân nhận định xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể giảm khoảng 30% khi Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu nhiều gạo hơn trong năm 2025.

Gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 490 - 502 USD/tấn, thay đổi không đáng kể so với mức 502 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho rằng tình hình nhu cầu yếu có thể khiến giá giảm sâu hơn nữa.

Ở một diễn biến khác, cố vấn thương mại của Bangladesh (Băng-la-đét) cho biết nước này không thiếu gạo, và khẳng định bất kỳ sự thiếu hụt nào cũng sẽ được bù đắp thông qua nhập khẩu. Giá gạo ở nước này đã tăng 10-12 taka/kg (khoảng 8-10 xu Mỹ/kg) trong năm qua, gây áp lực lên người tiêu dùng.

Về thị trường ngũ cốc Mỹ, giá đậu tương, lúa mỳ và ngô kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã giảm trong phiên 3/1, do hoạt động bán ra của nông dân được đẩy mạnh và đồng USD lên giá gây áp lực đối với thị trường.

Giá đậu tương giảm 20,25 xu Mỹ xuống 9,9175 USD/bushel. Cũng trong phiên này, giá lúa mỳ vụ Đông đỏ mềm trong hợp đồng giao tháng 3/2025 trên CBOT giảm 16,5 xu Mỹ xuống 5,2925 USD/bushel. Trong khi đó, giá ngô giao tháng 3/2025 trên CBOT đã giảm 8,75 xu Mỹ xuống 4,5075 USD/bushel.

Ông Arlan Suderman, chuyên gia kinh tế về hàng hóa tại StoneX, cho biết trước đó trong tuần, giá cả ba mặt hàng này đã tăng mạnh, nhưng sau đó gặp áp lực trong những ngày gần đây do hoạt động bán ra ồ ạt của nông dân ở Mỹ và Nam Mỹ.

Đồng USD mạnh cũng tiếp tục đè nặng lên giá lúa mỳ, mặc dù “đồng bạc xanh” đã giảm nhẹ trong phiên này. Đồng USD đã có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu tháng 11/2024, trước các dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với các nước tiên tiến khác trên toàn cầu, và lãi suất của Mỹ sẽ vẫn ở mức tương đối cao trong năm 2025.

Ông Suderman cho biết khối lượng giao dịch thấp đã khiến biến động giá trở nên mạnh hơn trong những ngày ngay sau kỳ nghỉ Năm mới. Nhưng ông dự đoán mức độ biến động này sẽ dịu bớt vào tuần tới.

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, giá cà phê thế giới đi xuống khi khép lại tuần đầu năm 2025. Trong phiên 3/1, trên sàn London (Anh), giá cà phê Robusta giảm ở cả bốn kỳ hạn với mức 1,53 - 1,74%. Giá cà phê Robusta trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất, là tháng 3/2025, giảm 88 USD xuống 4.9 USD/tấn. 

Tương tự, trên sàn New York (Mỹ), giá cà phê Arabica ở các kỳ hạn giảm từ 2,23 - 2,51%. Giá trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất, tháng 3/2025, giảm 8,2 xu Mỹ/Ib) xuống 318,65 xu Mỹ/Ib. (1 lb=0,4535 kg)

Nguyên nhân khiến giá cà phê đồng loạt giảm trong phiên này được cho là do những cơn mưa lớn tại Brazil đã xoa dịu phần nào lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó, đồng real của Brazil mất giá so với đồng USD, vẫn nằm trong vùng thấp kỷ lục, đã thúc đẩy hoạt động bán ra của Brazil.

Ở thị trường trong nước, giá cà phê ngày 4/1 tại khu vực Tây Nguyên quay đầu giảm 1.500 - 1.700 đồng/kg, xuống còn 119.800 - 120.500 đồng/kg.

Bích Hồng - Khánh Ly (TTXVN)
Những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán đầu năm 2025
Những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán đầu năm 2025

Trong tháng 1, dòng tiền có thể tìm đến những cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV năm 2024 tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô cả năm 2024 cũng sẽ được công bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN