Khoảng 0 giờ 44 phút sáng ngày 26/10 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.741,50 USD/ounce. Giá vàng đã đạt mức kỷ lục 2.758,37 USD/ounce trong ngày 23/10 và ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,2% ở mức 2.754,60 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn tại RJO Futures nhận định căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran có thể đã kích hoạt một số giao dịch mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn vào cuối tuần. Theo hãng tin Reuters, có ít nhất chín người Palestine đã thiệt mạng và một số người bị thương trong một cuộc không kích của Israel vào Al-Shati.
Vàng, một tài sản không sinh lời, đã tăng hơn 32% trong năm nay do nhu cầu trú ẩn an toàn bắt nguồn từ căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông, cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
Bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng thúc đẩy nhu cầu vàng khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang rất sít sao.
Giá vàng tăng bất chấp sự tăng giá của đồng USD do đồn đoán về khả năng ông Donald Trump chiến thắng ngày càng cao.
Capital Economics nhận định giá vàng đã quay trở lại chế độ “đi ngược với các yếu tố truyền thống” trong những tuần gần đây, đồng thời sẽ có một đợt điều chỉnh giá đáng kể.
Giá palladium giao ngay đạt mức cao nhất trong 10 tháng trong ngày thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh lo ngại về xuất khẩu từ Nga. Giá palladium tăng 3,2% lên 1.194,36 USD/ounce.
Giá palladium đã tăng 9% trong phiên 24/10 sau thông tin Mỹ yêu cầu các đồng minh trong Nhóm G7 xem xét các biện pháp bổ sung để hạn chế nguồn thu của Nga trong lĩnh vực kim loại bằng cách xem xét hạn chế đối với palladium và titanium.
Giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống 33,61 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất trong 12 năm là 34,87 USD vào đầu tuần này. Giá bạch kim giảm 0,2% xuống 1.024,20 USD/ounce.
Giá vàng thế giới trải qua một tuần giao dịch đầy biến động, liên tục thử thách các mốc kỷ lục trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế leo thang. Tuần qua, giá vàng đã “lượn sóng” giữa các thông tin trái chiều, phản ánh tâm lý thận trọng nhưng vẫn lạc quan của giới đầu tư.
Phiên 21/10, đà tăng của vàng chững lại sau khi chạm mốc kỷ lục mới, do áp lực từ lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD tăng giá. Dù căng thẳng địa chính trị liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và xung đột Trung Đông vẫn hiện hữu, sức ép từ thị trường tài chính đã khiến vàng tạm thời hạ nhiệt.
Tuy nhiên, sang phiên 22/10, nhu cầu trú ẩn an toàn tăng vọt đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục mới. Bầu cử Mỹ căng thẳng, xung đột leo thang ở Trung Đông, cùng kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn đã đưa vàng lên đỉnh. Giới phân tích nhận định căng thẳng địa chính trị là động lực chính thúc đẩy đà tăng này, với dự đoán vàng có thể chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce trong tương lai gần.
Đà tăng này không kéo dài được lâu. Phiên 23/10, giá vàng giảm mạnh hơn 1% sau khi lập đỉnh, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng. Hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư cũng góp phần vào sự điều chỉnh này. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của vàng, cho rằng bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Mỹ và gánh nặng nợ công của nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá kim loại quý.
Đến phiên 24/10, giá vàng phục hồi nhẹ, giao dịch gần mức cao kỷ lục nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn vẫn duy trì ở mức cao. Bất ổn chính trị trước thềm bầu cử Mỹ và lo ngại về lạm phát tiếp tục là những yếu tố hỗ trợ chính cho giá vàng. Giới phân tích dự báo vàng sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới, khi các nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn trước những biến động khó lường của thị trường.