Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị cũng hỗ trợ giá vàng như một "hầm trú ẩn an toàn" trong thời kỳ bất ổn.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng khoảng 0,6% lên 2.676,03 USD/ounce, gần với mức cao kỷ lục 2.5,42 USD/ounce đạt được vào ngày 26/9. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5% lên 2.692,60 USD/ounce.
Theo chiến lược gia Peter A. Grant tại công ty kinh doanh kim loại quý Zaner Metals, dự đoán về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 11/2024 đang được củng cố.
Trong khi đó, dữ liệu lạm phát yếu hơn tại châu Âu và Anh đã làm gia tăng kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ hơn. Dự đoán này khiến lợi suất trái phiếu giảm qua đó nâng đỡ giá vàng.
Ông Grant dự đoán giá vàng có khả năng lên gần 3.000 USD/ounce trong quý I/2025. Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch cho rằng có khoảng 96% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng Mười Một.
Trong khi đó, ECB có thể sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất khác trong ngày 17/10, trong khi đà giảm của lạm phát tại Anh đánh đi tín hiệu BoE sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Chuyên gia Ole Hansen tại ngân hàng Saxo Bank cho rằng bất ổn tài chính, căng thẳng địa chính trị, xu hướng giảm phụ thuộc vào đồng USD, sự không chắc chắn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và động thái cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương, là các yếu tố chính thúc đẩy giá vàng.
Các đại biểu tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Thị trường Kim loại London dự đoán giá vàng sẽ tăng lên 2.941 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 17/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá vàng miếng SJC ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).