Qua gần 1 năm phát động, Ban Tổ chức Giải Cờ đỏ năm 2024 đã nhận được 108 tác phẩm báo chí dự thi. Các tác phẩm tham gia thuộc nhiều thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí... Các đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi là Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn học nghệ thuật tỉnh, các cơ quan báo chí thường trú…
Ban Tổ chức đã chấm và chọn được 64 tác phẩm có số điểm cao nhất để trao giải, gồm: 8 giải B, 14 giải C, 42 giải Khuyến khích.
Ban Tổ chức giải thống nhất trao giải “Xuất sắc” cho hai tập thể: Đảng bộ Báo Bình Thuận và Đảng ủy Công an tỉnh. Đây là 2 đơn vị đảm bảo các tiêu chí theo quy định trong công tác chỉ đạo tuyên truyền, hưởng ứng tham dự giải; đồng thời, có nhiều tác phẩm đoạt giải, có chất lượng, đủ điều kiện tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các tác phẩm tham dự Giải Cờ đỏ năm 2024 so với các năm trước đã tăng về mặt chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, các đề tài, nội dung tác phẩm dự thi rất phong phú, đa dạng, bám sát những vấn đề thời sự, phản ánh sinh động thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong năm 2024.
Nội dung các tác phẩm dự thi đã thể hiện đúng chủ đề của giải là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả...
Thông qua đó, các tác giả khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng; sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền và nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương ở Bình Thuận trong công tác xây dựng Đảng. Hầu hết các tác giả có đầu tư nghiêm túc và chuyên sâu về chất lượng trong quá trình thực hiện tác phẩm dự thi. Tác phẩm cơ bản đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền xây dựng Đảng, chính quyền, đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống.
Một số tác phẩm ở các loại hình (báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử, trang thông tin điện tử…) có chất lượng, đầu tư; bám sát tình hình thực tế trong phát triển kinh tế - xã hội, điều hành quản lý nhà nước, xây dựng Đảng, chính quyền. Nhiều tác phẩm phản ánh hơi thở cuộc sống, có sức lan tỏa, hiệu ứng tốt trong xã hội; tạo được sự đồng cảm với công chúng, thể hiện trách nhiệm của nhà báo đối với xã hội.