Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, tỉnh Phú Thọ cùng với cả nước đã đầu tư tôn tạo, xây dựng Đền Hùng khang trang xứng tầm là nơi thờ tự tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Xanh, sạch, đẹp là cảm nhận của nhiều du khách khi đến dâng hương, vãn cảnh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Cảnh sắc thiên nhiên hòa lẫn với không gian cổ kính khiến cho Khu di tích lịch sử Đền Hùng càng trở nên linh thiêng. Trong những ngày Thu tháng 9, mặc dù không phải ngày lễ trọng nhưng nhiều người con gần xa đã về Đền Hùng dâng hương hoa kính cáo, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân và nhớ về Bác với niềm kính yêu vô hạn.
Ông Nguyễn Đình Việt, 65 tuổi, ở xã Hy Cương, thành phố Việt Trì chia sẻ, dịp kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về thăm Đền Hùng (19/9/1954 - 19/9/2024), ông cùng các con cháu mang hương, hoa, lễ vật đến cúng dâng tưởng nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng và cùng các con, cháu nhớ lại lời căn dặn của Bác “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” trong lần đầu Bác về thăm Đền Hùng khi nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong.
Ông Việt cho biết, qua nhiều năm xây dựng, tu bổ, đến nay khu di tích Đền Hùng đã khang trang, to đẹp lên rất nhiều. Nhiều đồi trọc trước đây đã được trồng cây xanh, tạo môi trường sinh thái mát mẻ cho toàn khu vực. Các đường dạo, trục hành lễ, sân lễ hội, xung quanh nhà Bảo tàng và bao quanh các hồ nước đều được trồng hoa, cây cảnh tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn. Đặc biệt, nhiều công trình như sân lễ hội, trục hành lễ, đường lên xuống núi Hùng được đầu tư xây dựng cải tạo mở rộng đẹp, được lát bằng đá bền chắc; cổng vào khu di tích được xây dựng bề thế, vững chãi, xứng tầm với khu di tích quốc gia đặc biệt… Mong muốn của Bác là xây dựng khu di tích lịch sử Đền Hùng thành công viên lịch sử văn hóa để đón các thế hệ người dân Việt Nam về thăm viếng tổ tiên nay đã và đang trở thành hiện thực.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ, dịp kỷ 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng, dự kiến tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động phong phú để phục vụ nhân dân và du khách. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tỉnh Phú Thọ đã dừng các hoạt động để tập trung phòng chống lũ bão, khắc phục thiệt hại, hậu quả mưa lũ. Vào ngày 19/9, tỉnh Phú Thọ sẽ thay mặt cả nước dâng hương tri ân công đức các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nhớ về cội nguồn dân tộc, nơi thờ tự các Vua Hùng - những bậc tiền nhân có công dựng nước, để tri ân công đức tổ tiên. Hai lần về thăm Đền Hùng là hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại những lời dặn dò đầy ý nghĩa với công cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử, trường tồn của dân tộc.
Đáng chú ý là lần thứ hai, Bác về thăm viếng Đền Hùng trong chuyến thăm, động viên nhân dân Phú Thọ. Chuyến thăm và làm việc của Bác diễn ra trong hai ngày 18 - 19/8/1962. Ngày 18/8/1962, Bác dự mít tinh cùng nhân dân Phú Thọ kỷ niệm lần thứ 23 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Sau đó, Bác đi thăm một số đơn vị có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh. Sáng 19/8/1962, Người dành thời gian về Đền Hùng để viếng tổ tiên. Sau khi dâng hương bái Tổ tại đền Thượng, Bác dặn dò cán bộ, nhân dân Phú Thọ phải tu sửa, gìn giữ lịch sử và trồng cây phủ xanh các đồi trọc, chăm sóc, vườn hoa cây cảnh, xây dựng công viên lịch sử Đền Hùng để con cháu cả nước về thăm viếng.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, những năm qua, được sự quan tâm của các cơ quan Trung ương, sự nỗ lực của toàn thể Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ, sự tham gia công đức của các tổ chức, cá nhân trong cả nước, Đền Hùng ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, đẹp đẽ, xứng tầm là nơi thờ tự tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là hành động thiết thực của cán bộ, đảng viên và nhân dân Phú Thọ tri ân công đức tổ tiên và thực hiện lời căn dặn năm xưa của Bác Hồ.
Bà Phạm Thị Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, chỉ trong giai đoạn từ năm 2021 đến 8/2024, tỉnh đã huy động được nguồn vốn lớn với trên 453 tỷ đồng để triển khai tu bổ, tôn tạo các di tích, công trình tại Khu di tích. Từ nguồn vốn đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hàng chục công trình phục vụ người dân, như dự án Hoàn thiện tu bổ, tôn tạo hạ tầng, cảnh quan Trung tâm lễ hội Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Dự án lắp đặt hệ thống chiếu sáng cảnh quan khu vực xung quanh hồ Mai An Tiêm; Tu bổ tôn tạo bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân tiên phong" tại ngã 5 Đền Giếng Khu di tích lịch sử Đền Hùng...
Nhiều công trình được xây dựng từ nguồn vốn này đã góp phần làm cho diện mạo di tích ngày càng uy linh, sạch đẹp. Tiêu biểu là hạng mục công trình tu bổ tôn tạo chùa Thiên Quang và khu vực Đền Hạ do thành phố Hà Nội và Tập đoàn Him Lam công đức; công trình cổng vào Khu trung tâm lễ hội Đền Hùng từ nguồn ủng hộ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam; cải tạo hệ thống đường, bậc lên xuống các đền tại núi Nghĩa Lĩnh bằng việc thay thế toàn bộ đá xây, đá lát, đá bó vỉa từ đá Hải Lựu bằng đá granite Bình Định màu ghi do các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp; cải tạo, chỉnh trang khu vực ngã 5 Đền Giếng do Công ty Cổ phần ASIA công đức; xây dựng cầu đi bộ qua hồ Mai An Tiêm do Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô làm chủ đầu tư…
Cùng với đó, các đồ thờ tự, các hoành phi, câu đối được khôi phục bổ sung và sơn son thếp vàng lộng lẫy; các công trình kiến trúc cổ trên núi Hùng gồm đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, Lăng Hùng Vương, chùa Thiên Quang, Gác chuông, Bảo tháp, Cột đá thề, đền Giếng và hàng trăm ha rừng nguyên sinh cũng luôn được tôn tạo và bảo vệ nghiêm ngặt.
Thực hiện lời Bác dặn dò, đến nay khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được đầu tư xây dựng to đẹp, khang trang, xứng tầm với vị thế là Di tích quốc gia đặc biệt, trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của dân tộc và thực sự trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước.