Ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh với quan hệ đối tác trong 30 năm qua, Ngân hàng Phát triển châu Á đã tích cực hỗ trợ Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu; mong muốn thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác hoặc Biên bản ghi nhớ với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam về tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Shantanu Chakraborty cho rằng, thỏa thuận này là cần thiết và sẽ làm nổi bật cam kết của Ngân hàng Phát triển châu Á trong việc hỗ trợ quốc gia giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, ông Shantanu Chakraborty mong muốn tăng cường hợp tác, thực hiện các dự án cụ thể với Việt Nam, hướng tới đạt được kết quả thực chất trong 12 - 18 tháng tới.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á đề xuất hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng "0" (net zero) vào năm 2050, hỗ trợ Việt Nam từ 3 - 10 dự án triển khai quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng.
Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác của Ngân hàng Phát triển châu Á; kỳ vọng tiếp tục nhận được sự phối hợp từ Ngân hàng Phát triển châu Á trong triển khai những dự án thí điểm. Qua đó, Việt Nam sẽ rút ra các bài học kinh nghiệm để thúc đẩy quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Nghị định 06/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, trong đó tập trung chi tiết hóa các quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Ngân hàng Phát triển châu Á tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng, quản lý sàn giao dịch tín chỉ carbon; hỗ trợ kết nối, liên kết thị trường carbon trong nước với quốc tế.