Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập nhìn từ Quy định 144-QĐ/TW - Bài 1: Động lực phát triển

Cách đây 55 năm, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần nhắc đến cụm từ “đạo đức cách mạng” và căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Điều này cho thấy đạo đức cách mạng được người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đặc biệt quan tâm.

Thực hiện tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, Đảng ta tiếp tục đề cao vai trò của đạo đức cách mạng và đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản liên quan đến nội dung này. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Quy định này được ban hành đã đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới hiện nay.

Chú thích ảnh
Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh tư liệu: TTXVN

Bài 1: Động lực phát triển

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín được nâng lên, tạo cơ sở vững chắc để Đảng đặt ra hai mục tiêu 100 năm khát vọng hòa bình, ổn định, phồn vinh. Đó là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, đất nước ta là quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Những mục tiêu trên là khát vọng song cũng là bài toán, thách thức lớn khi chúng ta còn chưa đầy 6 năm nữa để đạt tới cột mốc phát triển đầu tiên và 20 năm để đạt cột mốc còn lại. Để đạt hai mục tiêu trọng đại này, một trong những yêu cầu tiên quyết đặt ra là đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc, phải là những người hội đủ phẩm chất, chuẩn mực đạo đức cách mạng.

Cẩm nang xây dựng Đảng về đạo đức

Chú thích ảnh

Trong bối cảnh mới của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, Quy định số 144 được xem là “một cẩm nang xây dựng Đảng về đạo đức”, hướng đến mục tiêu hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi,” “tự sửa,” không ngừng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; thực sự trở thành động lực tăng trưởng, phát triển đất nước.

Quy định số 144 có kết cấu chặt chẽ, mang tính tổng thể, khái quát các quy định của Đảng về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, khẳng định quyết tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Theo đó, cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới phải: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35- CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cho biết Quy định số 144 là bước cụ thể hóa Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Điều này khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức với việc cụ thể hóa thành 5 Điều, 19 nội dung để Đảng ta thực sự là đạo đức, văn minh, như lời Bác Hồ đã dạy và xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân với tên gọi về Đảng là “Đảng ta”.

Tạo phong trào lan tỏa rộng khắp, sâu rộng

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Thực tiễn gần 40 năm qua, để tạo nên hình hài đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ngày hôm nay dưới ngọn cờ “Đổi mới” của Đảng, có sự đóng góp từng ngày, từng giờ sức lực, trí lực, “trên dưới một lòng, muôn người như một” của lớp lớp các bộ, đảng viên, nhân dân lao động với một tinh thần như Điều 2 của Quy định số 144 nêu rõ: “Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập”.

Anh Nguyễn Viết Cường thường được đồng nghiệp gọi là “cây sáng kiến” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên). Điển hình như sáng kiến “Phương pháp tái chế bã Vonfram” mà anh đề xuất, khi được áp dụng đã thu hồi đến 75% hàm lượng Vonfram trong bã thải. Qua đó, giúp công ty thu hồi lượng Vonfram trị giá 4 tỷ đồng mỗi năm.

Luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người lao động mạnh dạn đề xuất ý tưởng đổi mới sáng tạo, đã và đang giúp công ty Núi Pháo, Thái Nguyên nắm giữ nhiều ý tưởng công nghệ, quy trình sản xuất mới, hiệu quả. Đồng thời, cho thấy năng lực, trình độ chuyên môn và tinh thần ham học hỏi, cầu tiến của các kỹ sư Việt Nam. Sau khi lắng nghe sáng kiến của anh Cường, Ban Lãnh đạo Công ty Núi Pháo đã tạo điều kiện để sáng kiến được áp dụng vào thực tế.

“Sẽ rất khó để thuyết phục Ban Giám đốc nếu không có số liệu thực tế. Do vậy, tôi đã tự tìm hiểu, nghiên cứu và làm các thí nghiệm khác nhau. Sau đó tổng hợp kết quả thu được và xin họp với cấp trên để trình bày ý tưởng, cũng như kết quả sơ bộ ban đầu”, anh Nguyễn Viết Cường chia sẻ.

Tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra những sáng kiến không chỉ xuất hiện từ những cá nhân đơn lẻ mà còn có thể đến từ ý chí, tinh thần đoàn kết tập thể vì lợi ích chung.

Cải cách hành chính là động lực của sự phát triển, trong đó cải cách thủ tục hành chính đóng vai trò rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Xác định rõ điều này, thời gian qua các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều mô hình sáng kiến cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng phục vụ, mang lại sự nhanh chóng, tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chú thích ảnh

Ghi nhận tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nơi đang có rất nhiều sáng kiến được áp dụng, cho thấy trước đây công dân sẽ phải đi lại nhiều lần mới có thể hoàn thành thực hiện một bộ hồ sơ thủ tục hành chính và hàng chục ngày chờ đợi, nay chỉ cần 1 lần đi nộp hồ sơ, thời gian cũng giảm đi còn hơn 10 ngày. Đây là kết quả của mô hình sáng kiến “Một hồ sơ, ba kết quả” do Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND quận Hai Bà Trưng tham mưu triển khai tại bộ phận “một cửa” tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND quận.

Đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND quận Hai Bà Trưng, anh Trần Tuấn Tài (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phấn khởi cho biết: “Tôi khá bất ngờ khi bây giờ làm thủ tục đăng ký kinh doanh dễ dàng hơn và thuận tiện hơn, bớt thời gian đi lại. Khởi đầu thuận lợi như thế này, việc kinh doanh sẽ tốt”.

Bộ phận “một cửa” của UBND quận Hai Bà Trưng còn đang triển khai sáng kiến “ngày thứ Tư tốc ký” nhằm tạo sự thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính cấp bản sao, trích lục hộ tịch.

Đánh giá về các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính đang áp dụng tại quận Hai Bà Trưng, bà Lê Bích Hằng, Trưởng phòng Nội vụ, UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Tỷ lệ trả hồ sơ trước hạn của quận tăng lên rất nhiều và với thời gian làm việc trước đây 8 giờ, nay rút xuống còn 2 giờ. Việc giải quyết các thủ tục hành chính đã được người dân rất ghi nhận.

Có thể nhận thấy những nội dung về “Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập” trong Quy định số 144 đã được kiểm nhiệm trước đó trong thực tế, nay được Đảng “quy định hóa” để không chỉ dừng lại là những tấm gương, mô hình điển hình riêng lẻ mà thực sự tạo ra phong trào lan tỏa rộng khắp, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn xã hội; hình thành trong mỗi người ý thức tự giác, tự thân rèn luyện, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Theo nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trong 5 bộ phận cấu thành có tính chất chỉnh thể của hệ tiêu chí về đạo đức của người đảng viên Đảng Cộng sản, tiêu chí thứ 2 yêu cầu rất rõ: đổi mới, sáng tạo, hội nhập trên nền tảng lòng yêu nước, sự trung thành với dân tộc, trung thành với Đảng, phục sự nhân dân. Và đó cũng là tiền đề để cho đảng viên thể hiện mình, nêu gương mình, cần-kiệm-liêm-chính-chí công-vô tư. Và chỉ có như thế thì mới có thể đoàn kết, đoàn kết trong đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, đoàn kết-kỷ cương-tình thương-trách nhiệm, sống đúng nghĩa một con người chân chính.

Bài cuối: Tạo thay đổi có tính đột phá

V.Đ (TTXVN)
Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập nhìn từ Quy định 144-QĐ/TW - Bài cuối: Tạo thay đổi có tính đột phá
Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập nhìn từ Quy định 144-QĐ/TW - Bài cuối: Tạo thay đổi có tính đột phá

Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đã chuyển một thông điệp rõ ràng: Đảng rất chú trọng, quyết liệt trong việc đề ra những chuẩn mực đạo đức cách mạng cần có đối với cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN