Một thời vang dội
Tuần Tin tức ra số báo đầu tiên ngày 14 tháng 5 năm 1983. Còn nhớ, ngay từ những số đầu tiên, Tuần Tin tức đã được bạn đọc yêu mến, đón đọc nhờ vượt qua khuôn sáo thông tin bằng cách thể hiện mới, hấp dẫn hơn. Và quan trọng hơn cả là sự đổi mới mạnh mẽ nội dung thông tin dù chậm, vì là báo tuần, nhưng thông tin không “thiu”, không lạc hậu. Đặc biệt là những bài phóng sự, điều tra chống tiêu cực đưa lên trang báo Tuần Tin tức gây chấn động công luận lúc bấy giờ.
Thời điểm ấy, theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Đào Tùng và Phó Tổng giám đốc Đỗ Phượng, báo Tuần Tin tức phải đi sâu vào các ngành kinh tế trọng điểm - bây giờ duy danh là “mũi nhọn” mà Đảng và Chính phủ đang rốt ráo chỉ đạo. Đó là ngành Than, một ngành công nghiệp quan trọng trong bước chập chững đổi mới. Khẩu hiệu “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ” lấy từ lời dạy của Bác Hồ.
Thế nhưng, thời kỳ đó, sản xuất than quá trì trệ mà nguyên nhân chủ yếu là do năng lực, trình độ lãnh đạo sản xuất ở các mỏ. Đó là chưa kể đến công nghệ, thiết bị khoan đào, vận tải đều có vướng mắc. Đời sống thợ mỏ sa sút thiếu thốn. Công tác phân phối lưu thông nhu yếu phẩm quá nhiều bất cập. Ai đời, người ta bồi dưỡng ca 3, độc hại cho thợ lò bằng thuốc lá Tam đảo, bằng bia hơi!
Trong bối cảnh ấy, Tuần Tin tức đăng bài điều tra “Ngành than trước ngưỡng báo động”. Báo vừa phát hành đã có trên bàn làm việc của các yếu nhân Văn phòng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Nghe kể rằng ông Bộ trưởng Thương nghiệp Lê Đức Thịnh vừa đọc chưa hết tờ báo đã như bị điện giật. Ông quay điện thoại gọi Văn phòng lên giao nhiệm vụ đi ngay Quảng Ninh kiểm tra tình hình phân phối nhu yếu phẩm cho thợ mỏ. Ông còn cho mời tác giả đến để trò chuyện cặn kẽ nội tình yếu kém của thương nghiệp Quảng Ninh… Cũng có nghe chuyện Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lập tức yêu cầu Phó Chủ tịch phụ trách khối tài mậu phải xin lỗi công nhân mỏ và triệu tập họp ngành này để chấn chỉnh.
Sau này, Tổng giám đốc Đào Tùng thông báo giao ban việc Bộ trưởng Bộ Điện -Than phản ứng quyết liệt với TTXVN và báo Tuần Tin tức về bài báo được cho là đã dội thùng nước lạnh vào ngành than! Ít ngày sau, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười triệu tập lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về Hà Nội để bàn việc cải thiện việc cung cấp, phân phối lương thực, thực phẩm cho thợ mỏ.
Phát súng mở màn tấn công vào “boong ke” tiêu cực của báo Tuần Tin tức không chìm trong im lặng của trì trệ, bảo thủ để chẳng mấy chốc trở thành cả một mặt trận chống tiêu cực rộng khắp do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm thống soái với slogan “Những việc cần làm ngay”.
Thế rồi Tuần Tin tức có bài phóng sự - điều tra “Cướp cạn giữa ban ngày” của Thơ Linh Cơ - bút danh của Phạm Vũ Tâm, cố Tổng biên tập báo Tuần Tin tức sau này. Bài báo nổ súng vào bờ nam cầu Hàm Rồng, tấn công trực diện nhân vật Đặng Đình Tám, giám đốc một công ty lớn của Thanh Hóa mới thật sự rúng động xứ Thanh vì chống tiêu cực có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể và hành vi tiêu cực rõ mồn một. Sau đó còn là loạt bài “hậu” Đặng Đình Tám được coi là chống những kẻ ỷ thế “ô to, dù bự ” ở Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa lộng hành, tham ô, hủ hóa, trù dập người tố cáo. Vụ này động chạm đến Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hà Trọng Hòa vì ông này đã dung túng Đặng Đình Tám và tay chân của y làm càn.
Bài báo “Cướp cạn giữa ban ngày” bị phản ứng dữ dội từ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lên Ban Tuyên huấn Trung ương, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng... khiến Bộ Biên tập TTXVN, Ban biên tập báo phải chịu trận mướt mồ hôi. Còn nhớ khi đăng bài cuối cùng “Lan lừa là ai” liên quan trực tiếp đến ông Hà Trọng Hòa, thì đích thân ông Đỗ Phượng phải gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để xin chịu trách nhiệm trước người đứng đầu Trung ương Đảng về tính chiến đấu của các bài báo chống tiêu cực ở Thanh Hóa. Nếu không có một Ban lãnh đạo dũng cảm, tâm huyết đổi mới và đội ngũ phóng viên biên tập sống chết với nghề thì không thể chống tiêu cực. Tuần Tin tức thời đó dám chống tiêu cực trên các lĩnh vực, các địa phương được đông đảo bạn đọc đón chờ từng số báo.
Trước luồng chảy thông tin như vũ bão, việc ra báo tuần không đáp ứng đủ nhu cầu bạn đọc. Năm 1991, Ban lãnh đạo TTXVN đã quyết định xuất bản thêm tờ Tin tức buổi chiều mà bạn đọc quen gọi là “Tin chiều”.
Tờ Tin tức buổi chiều đã lấp trống thông tin quốc tế diễn ra trong khoảng thời gian từ 0 giờ - 12 giờ hằng ngày. Đây là thời điểm các báo phát hành buổi sáng đều đã cắt tin. Những sự kiện lớn như chính biến ở Liên Xô, hay Mỹ tấn công Iraq... liên tục gây sốt trong làng báo thời bấy giờ. “Tin chiều” tạo nên một thời kỳ sôi động của tờ báo duy nhất trong cả nước phát hành buổi chiều được bạn đọc tin tưởng đón nhận với số lượng phát hành lên tới hàng chục vạn bản.
Để thích nghi với tình hình mới cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, ngày 1/1/1999, tờ Tin tức ra đời, trên cơ sở sáp nhập báo Tuần Tin tức và Tin tức buổi chiều và vẫn tiếp tục phát hành buổi chiều. Thương hiệu Tin tức tiếp tục tròn vai của một tờ báo chính trị - xã hội với thông tin chính thống “nhanh, đúng, trúng, hay”.
Giai đoạn 2001 - 2003 được coi là “thời hoàng kim” của báo Tin tức, khi có những thời điểm lượng phát hành báo lên tới 340.000 bản/ngày và phát hành cả ngày nghỉ, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Đổi mới mạnh mẽ
Để thích ứng với tình hình mới, phù hợp với xu hướng của báo chí hiện đại và nhu cầu bạn đọc, báo Tin tức đã tiếp tục có sự đổi mới trong cơ cấu các sản phẩm, loại hình thông tin, nhằm giữ vững là kênh thông tin chính thống chất lượng cao, tin cậy đối với các đối tượng độc giả.
Nhận thấy phát hành tờ báo buổi chiều đã không còn phù hợp do những “xáo trộn” mạnh khi thông tin trên Internet bùng nổ, từ ngày 2/4/2008, báo Tin tức hằng ngày có mặt trở lại trên các sạp báo vào buổi sáng, khép lại lịch sử gần 17 năm phát hành buổi chiều. Cùng với đó, tờ Tin tức cuối tuần (nay đã lấy lại tên cũ là Tuần tin tức) vẫn tiếp tục phát hành vào thứ năm hằng tuần với nhiều tuyến tin bài có sức nặng, tác động đến xã hội và xây dựng chính sách.
Ghi nhận những đóng góp của báo Tin tức, tại Chỉ thị 1441/CT - TTg ngày 14/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã trao nhiệm vụ cho báo Tin tức trở thành một “Kênh thông tin của Chính phủ”.
Trước xu hướng đọc báo giấy ngày càng suy giảm, bạn đọc dành nhiều quan tâm cho thông tin trên mạng xã hội và Internet..., báo Tin tức đã được quyết định tạm ngừng in báo giấy hằng ngày, chuyển sang phát triển báo điện tử để thích ứng với tình hình mới, đồng thời vẫn phát hành báo giấy hằng tuần và cho ra đời chuyên đề Dân tộc, thiểu số và miền núi. Ngày 16/1/2017, báo Tin tức điện tử chính thức ra mắt trên cơ sở trang web, với tên miền www.baotintuc.vn, mở ra giai đoạn phát triển mới của báo Tin tức.
Với việc kiên trì xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng, uy tín thông tin, đến nay baotintuc.vn đã trở thành thương hiệu báo điện tử chính thống được nhận diện rộng rãi trong làng báo và là địa chỉ tin cậy của bạn đọc, trở thành trang điện tử có lượng truy cập cao, trung thành. Báo Tin tức điện tử “đưa cả thế giới đến bạn đọc” với nhiều chuyên mục, chuyên trang nội dung thời sự, chuyên sâu; nhiều thể loại báo điện tử hiện đại được thực hiện cùng các tuyến bài bình luận, phân tích nhận định; các bài phóng sự điều tra, phản hồi phản biện có sức nặng..., đã ngày càng hấp dẫn bạn đọc.
Tiếp tục phát triển các thế mạnh, “linh hồn” của tờ Tuần Tin tức hiện nay là thông tin đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, các bài phóng sự, điều tra đi vào các vấn đề góc cạnh, góc khuất của xã hội, đời sống con người, đồng thời vẫn đảm bảo là tờ báo chính trị xã hội tổng hợp thông tin tuần của TTXVN, cung cấp thông tin toàn diện, sâu sắc về mọi mặt của đời sống, đẩy mạnh chức năng phản hồi, phản biện của thông tin TTXVN.
Hành trình phát triển một kênh thông tin chính luận tin cậy của báo Tin tức gắn liền với dòng chảy không ngừng thông tin chính thống của TTXVN, đã tạo dựng một vị thế vững chắc trong làng báo chí cách mạng nước nhà và trong lòng độc giả.