Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Cần giám sát toàn diện để có cái nhìn tổng thể về vấn đề môi trường
Căn cứ đặc điểm tình hình và khối lượng công việc năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 chuyên đề và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn 1 trong 2 chuyên đề đã được nghiên cứu, chuẩn bị, sắp xếp để Quốc hội giám sát tối cao 1 chuyên đề; còn lại 1 chuyên đề sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Chuyên đề 1 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Chuyên đề 2 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, dự kiến giao cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung.
Bày tỏ quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân mong muốn Quốc hội tập trung giám sát vào chuyên đề thứ nhất, vì vấn đề môi trường hiện nay, ngoài việc có bám sát Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hay không, còn là câu chuyện tác động đến tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững. Luật được thông qua vào năm 2020, nhưng đến 2022 mới có hiệu lực, tức là có tới 2 năm để chuẩn bị, còn nhiệm kỳ của chúng ta kết thúc vào năm 2025, nếu chúng ta không giám sát thì sẽ không có cái nhìn tổng thể cho nhiệm kỳ sắp tới.
Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm môi trường hầu như không được cải thiện trong những năm vừa qua. "Chúng ta có thể nhìn thấy rõ nét nhất là các dòng sông “chết’ ở Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn… Tất cả những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu đều chưa có cái nhìn tổng thể ở tầm quốc gia để có cái nhìn thấu đáo, chưa kể chúng ta còn lệ thuộc rất nhiều về nguồn nước từ bên ngoài. Vậy thì chúng ta ứng phó như thế nào, chống lại hay thích ứng? Để có lời giải cho bài toán vĩ mô tổng thể tầm quốc gia, tôi nghĩ nên có chương trình giám sát quốc gia toàn diện, giám sát tối cao, sau đó thực hiện thì sẽ bài bản hơn", đại biểu kiến nghị.
Tuy nhiên, theo đại biểu, giám sát về nguồn nhân lực cũng rất quan trọng, vì đó chính là nút thắt để tháo gỡ cho vấn đề tăng năng suất lao động. Trong 3 năm liền, chỉ tiêu về năng suất lao động không đạt là có lý do. Những nước phát triển đã có kinh nghiệm, nếu muốn thoát bẫy thu nhập trung bình, thì phải đạt tăng trưởng chất lượng, chứ không phải tăng trưởng tự phát. Tăng trưởng chất lượng thì phải nhắm đến chất lượng lao động và các yếu tố tổng hợp.
"Chính vì năng suất lao động không tăng, nên GDP chỉ tăng trưởng phấn đấu 5-6%, nếu chúng ta làm tốt năng suất lao động thì có thể lên 7-8%, sẽ bù lại năm 2021-2022 chịu tác động của dịch COVID-19. Những năm sau tăng cao hơn sẽ giúp cho cả kỳ tăng, đạt mục tiêu đề ra", đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh: Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, tình hình biến đổi khí hậu hiện nay rất khắc nghiệt; thiên tai, thời tiết rất cực đoan; vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường luôn là yếu tố được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Trong đó, hướng đến là thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính như Hội nghị COP 28 đã đặt ra. Do đó, chọn lựa vấn đề giám sát tối cao về bảo vệ môi trường là rất cần thiết.
Quan trọng hơn nữa, theo đại biểu, sau giám sát, chúng ta phải ban hành những quy định, Nghị quyết pháp luật để làm sao thực hiện được vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đi kèm với đó phải có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, cũng như hỗ trợ cho người dân sử dụng phương tiện giao thông, năng lượng sạch.
"Nếu chúng ta không có chính sách hỗ trợ thì trong điều kiện khó khăn, người dân rất khó chuyển đổi sang năng lượng sạch. Hiện nay một số địa phương trong đó có TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho người dân chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nguyên liệu sạch, đó là điều rất cần thiết. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường, tương tự như vậy, cũng cần phải có nguồn lực tài chính và chính sách động viên về thuế khoá, để doanh nghiệp sớm chuyển đổi, sản xuất thân thiện với môi trường", đại biểu nêu.
Cùng với đó, theo đại biểu, vấn đề xử lý vi phạm hành chính về môi trường như xả rác thải, xử lý nước thải, phá rừng… phải được quy định và thực hiện một cách nghiêm minh thì mới có thể có cơ chế đồng bộ trong bảo vệ môi trường hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Vẫn còn nhiều bất cập trong thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, tại dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cả hai chuyên đề xem xét để giám sát tối cao trên đều là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, nếu chọn 1 trong 2 chuyên đề để giám sát tối cao, chuyên đề 1 về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” là vấn đề cần thiết phải giám sát tối cao hơn trong thời điểm hiện tại.
Lý do, theo nữ đại biểu Quốc hội của đoàn Hải Dương, là tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, đang là vấn đề “nóng”, được đông đảo cử tri hết sức quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng lưu ý, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay cũng đang có nhiều khó khăn, nhất là sắp tới - ngày 1/1/2025, là thời hạn bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn theo quy định.
Đáng chú ý, theo đại biểu biểu Nguyễn Thị Việt Nga, mặc dù đã có 2 năm cho công tác chuẩn bị kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, nhưng đến nay, khâu chuẩn bị liên quan đến các nội dung trên vẫn chưa được kỹ càng.
“Hiện tại, nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ việc phân loại rác thải như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, sau thu gom sẽ xử lý ra sao, nơi tập kết rác như thế nào? Nhiều địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu nỗi trăn trở.
Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc và vấn đề nan giải cũng đang được đặt ra như thiếu thiết bị thu gom, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng đạt chuẩn, thiếu địa điểm tập kết và thiếu quy định về đơn giá, định mức thu gom, xử lý rác thải.
Trước thực trạng trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành cần được giám sát tối cao để làm rõ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời có biện pháp tháo gỡ kịp thời nhất.
“Đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025 là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng. Tôi nghĩ, nếu không sớm giải quyết sẽ sẽ rất khó thực hiện các quy định đã có hiện nay,” đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.