Trao đổi bên lề Kỳ họp, các đại biểu kỳ vọng các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ trả lời thẳng thắn, rõ ràng, đưa ra những giải pháp, cam kết cùng lộ trình rõ ràng để giải quyết những vấn đề được đặt ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, 4 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 lần này đều là những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, chứa đựng nhiều vấn đề nổi cộm ở thời điểm hiện nay.
"Kỳ vọng của tôi cũng như đông đảo cử tri về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần này là các đại biểu Quốc hội đề cập thẳng thắn đến những vấn đề trọng tâm, những "điểm nóng", những vướng mắc, khó khăn, nổi cộm ở từng lĩnh vực. Và các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ không né tránh trách nhiệm, đưa ra những giải pháp, cam kết cùng lộ trình rõ ràng để giải quyết những vấn đề được đặt ra. Đồng thời, cần tránh tối đa việc báo cáo thành tích vì thời gian trả lời chất vấn cho mỗi nhóm câu hỏi là rất ngắn. Do vậy, hàm lượng thông tin trong câu trả lời phải thực sự cao, xúc tích"– đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cử tri cũng không mong chờ sự thừa nhận trách nhiệm chung chung cho có, mà chờ đợi những giải pháp khả thi. Và quan trọng nhất là việc giám sát sau chất vấn. Cử tri và các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành trong phiên chất vấn, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá uy tín và năng lực của các vị bộ trưởng, trưởng ngành.
Trong các vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm nhất đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực rất rộng, bao trùm toàn bộ đời sống xã hội, từ tài nguyên, khoáng sản, đất đai, môi trường… Và hiện nay đang có rất nhiều vấn đề đặt ra với lĩnh vực này. Cụ thể như có nhiều luật về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường được Quốc hội ban hành và sắp có hiệu lực như Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai (sửa đổi)… rất cần sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng. Bên cạnh đó là những luật đã có hiệu lực nhưng có phát sinh một số vướng mắc như Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ năm 2022)... Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là vấn đề rất bức thiết hiện nay. Môi trường nước, không khí đang bị ô nhiễm nặng nề, nhất là ở các khu đô thị lớn, các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ảnh hưởng rất xấu đến đời sống của người dân, là căn nguyên phát sinh nhiều hệ lụy: bệnh tật, suy giảm kinh tế, khiếu kiện… Và vấn đề khai thác tài nguyên (đặc biệt là tài nguyên làm vật liệu xây dựng, san lấp) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Còn đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng, 4 nhóm vấn đề được đưa ra chất thu hút sự quan tâm của đồng bào và cử tri cả nước. Các nhóm vấn đề được lựa chọn lần này là thời sự nóng, tính thiết thực trong đời sống xã hội và là một trong những trụ cột góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Bởi vì, hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn cũng đáng báo động, vấn đề nước khan hiếm đang diễn ra khó lường trong tương lai, lưu vực các sông đang dần thiếu nước. Tình trạng hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp trên thị trường, dù ngành chuyên môn vẫn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát.
Ngoài ra, các dự án đã được kiểm toán hàng năm, nhưng vẫn xảy ra sai phạm, thậm chí tái phạm nhiều lần chưa khắc phục tốt. Đối với vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch, đây là trụ cột phát triển đất nước luôn được quan tâm, phát triển mạnh du lịch là góp phần phát triển kinh tế đất nước, văn hóa dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Vì vậy 4 nhóm vấn đề trên đều cấp bách và cần được quan tâm giải quyết sớm trong kỳ họp thứ 7, khóa XV của Quốc hội lần này.
Tại phiên chất vấn lần này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đặc biệt quan tâm đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực về văn hóa - thể thao và du lịch. Thời gian qua, ngành du lịch đã và đang phát huy, khai thác hiệu quả những tiềm năng của văn hóa truyền thống. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp thông qua văn hóa vật thể, phi vật thể nhằm phát huy tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn"; những giá trị chân, thiện, mỹ đến các tầng lớp Nhân dân và giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thời gian qua, hoạt động quản lý văn hóa cũng bộc lộ còn nhiều hạn chế, đơn cử: một số di tích lịch sử văn hóa xuống cấp chưa được bảo tồn, chưa quan tâm đúng mức, việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian ở một số đơn vị còn thụ động. Ngoài ra, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chưa thật sự đi vào chiều sâu,...