Với chiều dài 128,8 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 25.540 tỷ đồng, chia thành 5 dự án thành phần, đây sẽ là tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với TP Hồ Chí Minh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận đánh giá cũng như kỳ vọng của đại biểu Quốc hội về dự án này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Triển khai theo phương thức PPP để đáp ứng tính cấp bách của dự án
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh dự thảo Nghị quyết theo hướng đầu tư đồng bộ toàn Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và sử dụng chi phí dự phòng để bảo đảm không làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư.
Dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) do ngân sách nhà nước hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, việc huy động khu vực tư nhân tham gia sẽ bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện. Việc thực hiện theo phương thức PPP như Chính phủ trình nhằm để kịp thời đáp ứng tính cấp bách của Dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn triển khai các bước tiếp theo, đề nghị Chính phủ nghiên cứu có giải pháp hiệu quả thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án.
Cùng đó, việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ kéo dài thời gian thu phí của 2 dự án BOT trên Quốc lộ 14 khoảng từ 5 - 6 năm. Sau khi Dự án đưa vào khai thác sử dụng mới đủ cơ sở đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng đến 2 dự án BOT song hành này. Từ đó, có cơ sở đề xuất giải pháp phù hợp, theo hướng: kéo dài thời gian thu phí của các dự án BOT nhằm bảo đảm hoàn vốn và lợi nhuận theo hợp đồng đã ký hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét các giải pháp phù hợp khác nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính cho Dự án.
Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các địa phương xây dựng chính sách đền bù thỏa đáng theo nguyên tắc người dân đến nơi ở mới phải bảo đảm tốt hơn, tối thiểu phải bằng nơi ở cũ; đặc biệt là quan tâm đến phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm về đất ở, đất sản xuất cho người dân và việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân chịu ảnh hưởng của Dự án.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027 để bảo đảm tính khả thi; dài thời gian giải ngân vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 đến hết năm 2026…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – đoàn TP Hồ Chí Minh: Cần áp dụng cơ chế, chính sách ưu việt từ các dự án trước
Tại kỳ họp thứ 7, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thậm chí nội dung này đã được chú ý từ kỳ họp thứ 6. Bởi tuyến cao tốc này giúp kết nối từ TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ với vùng Tây Nguyên và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế những khu vực này.
Nhưng điều quan trọng hơn hết, cần phải chọn ra được những tinh tú, ưu việt từ những cơ chế, chính sách, thu hồi đất… đã thực hiện cho các tuyến đường cao tốc trên cả nước để áp dụng vào tuyến cao tốc Gia nghĩa – Chơn Thành. Các quy định cũng đang được xây dựng theo hướng đó để tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sớm được triển khai theo đúng tiến độ như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định thì nếu vấn đề giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp được bảo đảm, thời gian hoàn thành cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành chỉ mất từ 1,5 đến 2 năm. Nếu được như vậy thì thật sự rất hiệu quả.
Cùng đó, có thể áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù phù hợp cho việc triển khai thực hiện dự án nhằm đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng như trong Nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể như: cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Dự án đến hết năm 2026.
Cùng đó, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai Dự án đối với gói thầu tư vấn, gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cho phép trong giai đoạn triển khai, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng...
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông: Dự án đáp ứng mong đợi của người dân trong khu vực
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) thì việc triển khai như giải phóng mặt bằng hay xây lắp cũng rất khẩn trương vì tiến độ mục tiêu đặt ra rất nhanh, năm 2026 đã cơ bản hoàn thành.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong thực hiện tuyến cao tốc phía Đông với nhiều cơ chế đặc thù được áp dụng cho tuyến cao tốc phía Đông như đất san lấp… Do đó, những bài học kinh nghiệm, cơ chế chính sách hiệu quả cũng sẽ được áp dụng vào tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đăk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
Tôi kỳ vọng tuyến cao tốc này sẽ rút kinh nghiệm từ các tuyến cao tốc khác, đặc biệt là tuyến cao tốc phía Đông để đạt theo tiến độ như trong Nghị quyết vừa được các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua. Sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội đối với dự án này không chỉ thể hiện trách nhiệm của các đại biểu mà còn là tình cảm dành cho khu vực đồng bào Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng cũng như tỉnh Bình Phước và khu vực Đông Nam Bộ. Dự án sẽ khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên.
Địa phương và cử tri trong khu vực mong muốn, Nghị quyết thông qua sẽ sớm triển khai đi vào thực tiễn, đáp ứng với lòng mong đợi của nhân dân của hai khu vực; đặc biệt là góp phần quan trọng trong phát triển và ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào vùng Tây Nguyên cũng góp phần đảm bảo sự ổn định trong tiến trình phát triển của đất nước.