Video đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH Hải Dương chia sẻ:
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương đánh giá: Đà Nẵng có nhiều tiềm năng có thể áp dụng được những cơ chế đặc thù.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, bên cạnh việc cho phép Đà Nẵng thành lập khu thương mại tự do, nên xem xét bổ sung cả khu tài chính tự do.
Về lý do, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu: Nếu thành lập khu thương mại - tài chính tự do sẽ thu hút được các nguồn lực tài chính cũng như có điều kiện thí điểm. Điều đó sẽ tạo được những cơ chế tài chính với Đà Nẵng. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã thành công khi thành lập được khu tài chính tự do, như Singapore.
Dẫn chứng thực tế, theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay có một số các doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại đăng ký thành lập ở nước ngoài. Những nước này có những cơ chế thu hút tài chính đặc biệt. Do đó, Việt Nam cũng nên bổ sung cơ chế này đối với thành phố Đà Nẵng để thu hút được nguồn tài chính.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga hy vọng nếu được bổ sung cơ chế này, Đà Nẵng sớm trở thành một trung tâm tài chính của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Bởi Đà Nẵng có đầy đủ các lợi thế để làm điều này.
Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai chia sẻ:
Về việc thí điểm khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai đánh giá là có tính khả thi.
Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, điều ông quan tâm nhất là khi thực hiện các cơ chế đó, bao gồm từ sản xuất, logistic, hậu cần… trong một không gian bó kín. Điều đó sẽ đặt ra các vấn đề như: Quản lý của Nhà nước và thanh tra, kiểm tra thường xuyên của cơ quản lý sẽ như thế nào để đảm bảo rằng ở nơi đó không phát sinh những vấn đề tội phạm.
“Chúng ta phải lường trước những nguy cơ sản xuất chế tạo hàng cấm, hàng giả. Thậm chí, cách vận chuyển, trung chuyển thông thoáng có thể tạo ra một địa điểm trung chuyển ma túy hoặc các hàng hóa phạm pháp khác. Tôi cho rằng cần hết sức lưu ý những điều này khi thí điểm thực hiện khu thương mại tự do tại Đà Nẵng”, Đại biểu Nguyễn Công Long nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên – Huế chia sẻ:
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên – Huế, trong gói 30 chính sách dành cho Đà Nẵng lần này có một chính sách rất cơ bản, chuyên sâu và toàn diện. Đó là phát triển Khu công nghệ cao kết hợp với phát triển Trung tâm thương mại tự do.
“Ở góc độ gắn việc phát triển Trung tâm thương mại tự do, trong đó có khu Công nghệ cao như: Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm công nghệ, chíp bán dẫn hay các linh kiện điện tử nhằm thích ứng với xu hướng chuyển đổi số…, tôi hoàn toàn tán thành. Tôi rất mong Trung tâm công nghệ cao ở Đà Nẵng sớm được hình thành với những cơ chế chính sách đã được Đảng, Nhà nước và đặc biệt chính sách pháp luật đã thông qua. Cơ chế đặc thù của Đà Nẵng sớm được đi vào thực tiễn,” đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, để hiện thực hóa sớm và nhanh chóng những cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ và thành phố Đà Nẵng cần nghiên cứu sớm ban hành các văn bản thực hiện Nghị quyết.
Hiện nay, Đà Nẵng đang thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo báo cáo của Chính phủ, qua 3 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đã phát huy nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh phát triển thực tế hiện nay và qua đánh giá, thành phố Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa.
Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 trên cơ sở tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 02 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.