Mới đây, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) đã được áp dụng từ năm 2022 tới nay để kích cầu tiêu dùng, phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức ghi nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh): Nên tiếp tục chính sách giảm thuế VAT hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Khi Việt Nam gặp đại dịch COVID-19 năm 2020, sau đó bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2021, kèm theo đó là những cú sốc bởi tình hình bất ổn chính trị của thế giới, xung đột quân sự một số nước trên thế giới, nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội nhiều chính sách quan trọng là miễn giảm các loại thuế phí và tiền thuê đất.
Từ năm 2020 đến nay, chúng ta đã thực hiện miễn giảm, giảm các loại thuế phí và tiền thuê đất là khoảng 700.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 10/2023), chúng ta tiếp tục kéo dài giảm thuế VAT 2%, và đã giảm được khoảng 15.600 tỷ đồng.
Những nỗ lực trong giảm thuế, phí và gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất đã giúp cho doanh nghiệp vượt qua thách thức nhất định, quan trọng hơn là giúp cho người dân có điều kiện trang trải chi phí để mua hàng hoá với giá thấp hơn do giảm thuế VAT 2% trên các loại hàng hoá chịu mức thuế suất là 10%. Từ đó, giúp cho tổng cầu nền kinh tế đỡ bị suy giảm, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Dù gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng với nỗ lực chính trị quyết tâm cao nhất, được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thì nền kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện qua từng quý.
Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp và người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn, 10 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường, ngừng hoạt động, phá sản tăng tới 20%, kéo theo đó là số việc làm, đơn hàng bị cắt giảm, ảnh hưởng đến người lao động. Do đó, cần thiết xem xét gia hạn miễn giảm, gia hạn các loại thuế, phí và tiền thuê đất. Đặc biệt, Chính phủ đang trình Quốc hội việc giảm thuế VAT thêm 2% từ đầu năm 2024 đến hết tháng 6/2024.
Khi triển khai chính sách này, chúng ta nghĩ giảm thuế sẽ giảm nguồn thu ngân sách, nhưng thực tế đã chứng minh, khi Chính phủ trình Quốc hội giảm các loại thuế, phí và gia hạn tiền thuê đất, tổng thu ngân sách vẫn tăng. Điều này giống như chúng ta nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ lại cho người dân, doanh nghiệp, thì sẽ giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu thụ hàng hoá được thuận lợi hơn thì kinh tế tiếp tục phát triển và nguồn thu ngân sách vẫn tiếp tục tăng. Điển hình như 3 năm qua, tổng thu ngân sách vẫn đạt và tăng so với dự toán và góp phần kéo giảm bội chi ngân sách, kéo giảm nợ công nên chúng ta còn nhiều dư địa để thực hiện tiếp các chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Cần đánh giá hiệu quả của chính sách một cách toàn diện
Trong quý II và quý III/2023, GDP có mức tăng trưởng cao hơn, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cũng có mức độ tăng trưởng, có thể coi đó là tác động của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Khi giảm thuế VAT sẽ giúp cho kích cầu tiêu dùng của người tiêu dùng, thông qua đó giúp các doanh nghiệp tăng trưởng phát triển. Với đề xuất của Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024, tôi ủng hộ quan điểm trong bối cảnh chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy kích cầu, tăng trưởng kinh tế mà sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ như giảm thuế VAT để kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, chúng ta cần đánh giá đầy đủ kỹ lưỡng những yếu tố tác động đến việc giảm thuế vì theo tính toán của Chính phủ nếu giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm thì thu ngân sách sụt giảm 25.000 tỷ đồng, trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng khó khăn thì đây cũng là điều cần cân nhắc.
Mặc dù vậy, nếu đúng như mục tiêu của chính sách, giảm thuế VAT để kích cầu tăng trưởng, tiêu thụ hàng hoá dịch vụ, qua đó tăng thuế giá trị gia tăng do phần mở rộng quy mô của tiêu thụ thì cũng sẽ bù đắp được phần giảm thuế. Nếu hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển thì có nhiều yếu tố tác động lan tỏa như bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, giúp cho hoạt động nền kinh tế tăng trưởng…
Theo tôi, cần có đánh giá thật đầy đủ, toàn diện các tác động của chính sách và lượng hoá bằng thông tin con số cụ thể mới giúp việc đánh giá quá trình tổ chức thực hiện cũng như hiệu quả chính sách triển khai những bước tiếp theo.