Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), Kỳ họp thứ 7 có rất nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo và quyết định, trong đó công tác xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp lần này. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có rất nhiều dự án luật được cử tri và nhân dân quan tâm như dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự án Luật Trật tự an toàn giao thông, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi);...
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, công tác lập pháp tại Kỳ họp được chuẩn bị hết sức chu đáo. Các quy định cũng như nội dung dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, kỹ lưỡng. Đặc biệt, các dự luật đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri, nhân dân, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội. Bên cạnh các dự án luật Quốc hội xem xét thông qua, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án Luật. Với khối lượng dự án Luật được cho ý kiến rất lớn như vậy đòi hỏi các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến để có những đóng góp chất lượng về những vấn đề vướng mắc phát sinh từ cơ sở, những vấn đề qua thực tiễn triển khai, những kết quả đạt được cũng như có những kiến nghị, đề xuất trực tiếp sửa đổi vào dự án luật, những điều luật cụ thể.
Đại biểu cũng cho biết, cử tri và nhân dân rất phấn khởi về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp. Đặc biệt, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội thực hiện công tác nhân sự. Do đó, dư luận xã hội, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm và mong muốn sớm kiện toàn các chức danh chủ chốt của đất nước; qua đó tiếp tục có sự điều hành phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Về tổng hợp những ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho biết, qua thực tiễn tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, cử tri mong muốn gửi gắm một số nội dung trọng tâm. Trong đó, cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Luật Bảo hiểm y tế các trường hợp thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến tỉnh lên tuyến trên thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định tăng số lần khám thai của lao động nữ lên 8 lần trong thai kỳ (theo quy định hiện tại là 5 lần) để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi. Đồng thời, đề nghị xem xét, bổ sung quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng các chế độ giống như người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhằm đảm bảo tính công bằng cho người tham gia bảo hiểm xã hội, tạo động lực thu hút nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cử tri mong muốn Chính phủ có các biện pháp linh hoạt, hiệu quả hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường vàng, giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, đây là Kỳ họp với khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng; mong rằng các vị đại biểu Quốc hội sẽ chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung, đưa ra các vấn đề thảo luận, xem xét thực sự khách quan, toàn diện, trọng tâm... Từ đó, đạt được kết quả là những quyết sách, những dự án luật có ý nghĩa "đòn bẩy", động lực nhằm thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước trong thời gian tới.