Đoàn công tác đã tới thăm vùng trồng dâu tập trung tại thôn Lan Đình; mô hình nhà nuôi tằm con kiểu mẫu, mô hình nuôi tằm thương phẩm của Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê, Hợp tác xã Dâu tằm tơ Trúc Đình tại thôn Trúc Đình và Nhà máy ươm tơ thuộc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái ở thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.
Tiếp đó, đoàn đã có buổi làm việc với xã Việt Thành về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Thông tin tại buổi làm việc, lãnh đạo xã Việt Thành cho biết, địa phương đã duy trì xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 và đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025. Xã Việt Thành cũng đã xây dựng đồ án quy hoạch chung, giai đoạn 2021 - 2030 và Quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, được UBND huyện phê duyệt. Đặc biệt, xã có 2 vùng sản xuất hàng hóa tập trung là vùng trồng quế diện tích 725 ha (trong đó sản xuất quế hữu cơ 477 ha); vùng trồng dâu 221 ha. Trên địa bàn xã có 5 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp và 42 tổ hợp tác trồng rừng, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gia cầm. Các Hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp hoạt động và có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả.
Đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Việt Thành đạt được trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn trong thời gian tới, xã Việt Thành tiếp tục nỗ lực, cố gắng duy trì và phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Để làm được điều đó, Bộ trưởng cho rằng chính quyền địa phương cần định hướng, hỗ trợ và đồng hành cùng người dân, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong quá trình thực hiện các mô hình kinh tế, tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp trong câu chuyện của chính mình gắn với kết hợp du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường, thu hút du khách biết đến vùng trồng dâu nuôi tằm Việt Thành - miền quê nông thôn mới đáng sống.
Bộ trưởng cũng đề nghị xã Việt Thành và huyện Trấn Yên tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tích cực học tập, sáng tạo dựa trên điều kiện thực tế của địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo phương châm: "Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, xây dựng nông thôn mới không chỉ là việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn là việc xây dựng con người mới với tư duy và tầm nhìn mới.
Tiếp tục chương trình công tác, chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tới thăm một số mô hình phát triển du lịch trên hồ Thác Bà, huyện Yên Bình.
Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã giới thiệu với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.
Theo quy hoạch xác định đây là khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái hồ Thác Bà; là một trong những khu du lịch quốc gia có thương hiệu, gắn với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu. Ngoài ra, đây còn là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Sau khi nghe báo cáo về Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 và trực tiếp khảo sát, thăm một số mô hình phát triển du lịch trên hồ Thác Bà, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây sẽ là tiền đề để huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới. Từ đó, góp phần đưa hồ Thác Bà trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng trong lòng du khách và bè bạn gần xa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đánh giá cao địa phương đã làm rất tốt việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp cũng như nỗ lực xây dựng và phát triển sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương.