Để triển khai theo quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31/3/2023. Đến năm 2024, các đơn vị cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ 2 năm 1 lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025. Các doanh nghiệp có tên trong danh mục phải chủ động rà soát, cung cấp các thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật danh mục. Đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Giai đoạn 2023 - 2024, toàn tỉnh Nghệ An có có 29 cơ sở sản xuất, thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính.
Tại Đà Nẵng, từ ngày 1/1/2024, toàn thành phố có 23 cơ sở phải kiểm kê phát thải khí nhà kính và tần suất kiểm kê là 2 năm/lần. Trong số đó có 19 cơ sở ngành Công Thương, 3 công trình xây dựng và 1 cơ sở ngành Tài nguyên và Môi trường.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND về việc thực hiện “Điều tra, thống kê mức phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp trọng điểm và đề xuất biện pháp giảm thiểu, ứng phó trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Theo đó, Kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai nhằm điều tra và thống kê mức phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp trọng điểm để đề xuất hạn mức giảm phát thải khí nhà kính cũng như có các giải pháp trọng điểm trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành công nghiệp tỉnh...
Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, từ năm 2024, cơ sở có mức phát thải khí nhà kính 3.000 tấn Co2/năm tương đương trở lên; nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại có tổng lượng tiêu thụ năng lượng 1.000 tấn dầu tương đương (TOE)/năm trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu 1.000 TOE/năm và cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động 65.000 tấn/năm trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Thực hiện chủ trương này, một số tỉnh, thành đang gấp rút triển khai.
Quyết định cũng quy định 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là Công Thương (công nghiệp sản xuất năng lượng, tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng, khai thác than, khai thác dầu và khí tự nhiên); giao thông vận tải (tiêu thụ năng lượng trong vận hành, sử dụng các phương tiện giao thông vận tải); xây dựng (tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng, các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng); quá trình công nghiệp (sản xuất hóa chất, luyện kim, công nghiệp điện tử, sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozone, sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác); lĩnh vực nông, lâm nghiệp và sử dụng đất (chăn nuôi, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất, trồng trọt, tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp); chất thải (gồm bãi chôn lấp rác thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải, xử lý và xả nước thải).
Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và nền tảng nhất để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cân đối phân bổ các hạn ngạch phát thải cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có nguồn huy động tài chính xanh và hỗ trợ từ quốc tế…