Trên đây là một trong những điểm mới được ông Đỗ Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhấn mạnh tại Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X, diễn ra vào sáng 28/3 tại Hà Nội.
Giải thưởng do Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam (cơ quan thường trực giải thưởng) tổ chức. Giải thưởng nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, tạo động lực, khuyến khích các tập thể và cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền, thông tin đối ngoại.
Theo Ban Tổ chức, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm nay có 10 hạng mục gồm: Video clip; Các sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại; Ảnh; Truyền hình; Phát thanh; Sách; Báo in tiếng Việt; Báo điện tử, trang thông tin điện tử; Báo in tiếng nước ngoài; Báo điện tử, trang thông tin tiếng nước ngoài.
Tác phẩm/sản phẩm thông tin đối ngoại cần mang hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới và ngược lại, từ thế giới đến với Việt Nam. Giải thưởng thu hút mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, không giới hạn quốc tịch, vùng miền. Các tác phẩm và sản phẩm tham dự Giải không nhất thiết phải là loại hình báo chí; người thực hiện nội dung cũng không cần là nhà báo… Mọi đối tượng đều có thể tham gia.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), các sản phẩm trên nền tảng kỹ thuật số có sức lan tỏa và ảnh hưởng rất lớn, nhất là thời đại công nghệ số hiện nay. Thực tế cho thấy, thời gian qua, có rất nhiều Video clip giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam được các YouTuber, TikToker đầu tư sản xuất công phu, có sức lôi cuốn, truyền tải nhiều thông tin, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam đến người xem trên toàn thế giới.
Do vậy, Giải thưởng khuyến khích sự tham gia các YouTuber, TikToker để lan tỏa và quảng bá hơn nữa hình ảnh của Việt Nam trên nền tảng số, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Đây cũng là sân chơi để các YouTuber, TikToker có thể đầu tư, sáng tạo, qua đó khẳng định chính mình bằng những sản phẩm ý nghĩa, có giá trị văn hóa cao.
Ngoài việc khuyến khích các Youtuber, Tiktoker tham gia, thêm một điểm mới của Giải thưởng lần này là Ban Tổ chức khuyến khích các tác giả/nhóm tác giả gửi sản phẩm tham gia dưới dạng số hóa, nghĩa là bằng các file điện tử về địa chỉ email Giaithongtindoingoai10.
Đây là điểm mới được đánh giá là rất quan trọng, cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại công nghệ số hiện nay. So với hình thức gửi sản phẩm trước đây, hình thức gửi file điện tử sẽ giúp người tham gia tiết kiệm thời gian và chi phí đối với khâu chuẩn bị và in ấn tài liệu. Điều này đồng nghĩa với việc giúp người tham gia có thêm thời gian để tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm tham dự.
Bên cạnh việc tiếp nhận sản phẩm số hóa qua địa chỉ email, Ban Tổ chức duy trì hình thức nhận trực tiếp sản phẩm dự thi đối với các hạng mục sách, báo in tiếng Việt và nước ngoài qua địa chỉ: Văn phòng Đài Truyền hình Việt Nam, số 43 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội.
Thời gian cuối nhận tác phẩm là ngày 31/7/2024.
Năm 2024 đánh dấu 10 năm Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại ra đời, cũng là một trong nhiệm vụ quan trọng được thực hiện sau khi Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Sau 10 năm tổ chức, Giải thưởng ngày càng được mở rộng, đổi mới, phù hợp với sự phát triển của các loại hình tác phẩm, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại. Điều này cũng đã góp phần thu hút sự tham gia của đông đảo các đối tượng tác giả, nhóm tác giả khác nhau, từ các nhà báo, cho đến các nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, học sinh, sinh viên, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài.