Clip đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH Hải Dương chia sẻ về những vấn đề bất cập trong Luật BHYT:
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương:
Qua quá trình tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến về việc làm thế nào để vấn đề thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) được đảm bảo nhanh nhất cho người bệnh. Để thông tuyến BHYT còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Thứ nhất, nếu thực hiện thông tuyến, người dân được tự di chuyển lên tuyến trên sẽ dẫn tới bệnh viện tuyến trên quá tải nặng, bệnh viện tuyến dưới lại rất ít bệnh nhân vì người bệnh thường có suy nghĩ tuyến trên chắc chắn tốt hơn tuyến dưới. Vì vậy nếu có điều kiện họ sẽ lên thẳng tuyến trên. Bên cạnh đó, quá trình thanh toán khám chữa bệnh, khi phân bổ kinh phí sẽ gặp khó khăn.
Nếu bệnh viện tuyến trên quá tải, tuyến dưới ít bệnh nhân sẽ dẫn đến tình trạng tuyến dưới rất khó phát triển.
Đặc biệt, có những bệnh hiểm nghèo, những bệnh phải chuyển tuyến gấp nhưng nếu thực hiện đầy đủ các thủ tục chuyển tuyến như hiện nay thì người bệnh sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh, nhất là những bệnh phải chạy đua với thời gian.
Trong dự thảo Luật đã sửa đổi điều này, người dân được quyền thông tuyến khi có một số bệnh như bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm… Tuy nhiên để thực hiện điều này, Bộ Y tế phải có quy định một cách rất chi tiết, hợp lý những danh mục các bệnh được thông tuyến. Làm sao để người dân khi mắc những bệnh này được chuyển tuyến một cách nhanh gọn nhất. Tôi cho rằng quy định này là hợp lý.
Về đối tượng tham gia BHYT, trong dự thảo Luật BHYT, đã được bổ sung thêm nhiều đối tượng khác để phù hợp với các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong đó có chia thành nhiều nhóm khác nhau như: Nhóm người dân tự đóng, nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ 1 phần, nhóm được ngân sách chi trả hoàn toàn… Việc chia ra mỗi nhóm có bổ sung thêm nhiều đối tượng. Việc chia ra này là hợp lý, tuy nhiên mục tiêu của chúng ta là đến năm 2030, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 95% dân số và hiện đã đạt trên 91%, con số mục tiêu không xa nhau nhưng khoảng cách này sẽ rất khó thực hiện nếu chúng ta không có nhiều biện pháp. Vì tất cả những đối tượng tham gia BHYT tình nguyện, có nhu cầu thì đã tham gia rồi. Số phần trăm còn lại là số trường hợp khá khó khăn khi tham gia.
Đặc biệt với BHYT tự nguyện, những người có nhu cầu đã tham gia; đa số còn lại là không có nhu cầu tham gia.
Để đạt tỷ lệ mục tiêu về số người tham gia, với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả chắc chắn sẽ thực hiện được vì người tham gia không phải trả tiền. Với đối tượng được chi trả một phần cũng có phần dễ đạt hơn. Tuy nhiên, đối tượng người dân tự trả tiền mua BHYT vẫn có khó khăn, có sự biến động của những người đã tham gia rồi nhưng không tham gia nữa, hoặc chỉ tham gia một thời gian rồi thôi.
Về việc nhiều người không tham gia BHYT tự nguyện, nhưng họ đã mua các gói Bảo hiểm nhân thọ khác nhau, trong đó có nội dung chăm sóc y tế, nội dung BHYT. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi cách tính cho BHYT. Nên chăng, những người dân mua các gói bảo hiểm nhân thọ có nội dung BHYT cũng được tính là những người tham gia BHYT. Điều này sẽ làm tỷ lệ người dân tham gia BHYT sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần giải quyết ngay vấn đề khó khăn về thiếu thuốc, vật tư y tế. Hiện theo phản ánh của cử tri, có những lúc người dân có BHYT nhưng bệnh viện thiếu thuốc, họ phải tự mua thuốc ngoài, tự chi trả. Hoặc trường hợp thuốc và vật tư đó không nằm trong danh mục chi trả của BHYT người dân phải tự bỏ tiền túi. Nếu người dân tham gia BHYT tự nguyện sẽ không có nhiều niềm tin vào chế độ BHYT vì khi cần được chi trả thì họ lại tự phải đi mua thuốc.
Về mức độ chi trả, cần cân đối vì nhiều người không mặn mà với BHYT do mức chi trả ở các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu như các trạm y tế mức rất thấp, được chi trả rất ít.
Ngành y tế cần cải thiện nâng cao được chất lượng của các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu; cần cân đối lại quỹ chi trả cho khám, chữa bệnh, nhất là cấp khám, chữa bệnh ban đầu.
ĐB Trần Thị Nhị Hà, đoàn Hà Nội: Cần quan tâm chi trả cho việc dự phòng bệnh tật
Luật BHYT mới chỉ sửa đổi một số điều chứ chưa sửa đổi toàn diện. Đây là Luật rất quan trọng với đời sống người dân. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để tích hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, sắp tới, từ 1/1/2025 chúng ta phải thực hiện quy định mới về giá dịch vụ y tế, người dân lại chủ yếu khám, chữa bệnh bằng BHYT.
Luật BHYT sửa đổi phạm vi được hưởng là nội dung quan trọng. Những phạm vi như: Khám chữa bệnh, khám thai định kỳ, sinh con được chi trả là phù hợp. Đặc biệt, để bắt kịp xu thế hiện nay, một số loại hình như: Khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh y học gia đình cũng cần được thanh toán. Đây cũng là biện pháp để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, cần được khuyến khích.
Về việc thanh toán cho vận chuyển người bệnh, vận chuyển cấp cứu người bệnh trong những tình huống cần cấp cứu rất sớm cần được thanh toán BHYT cho tất cả đối tượng. Điều này sẽ do bác sĩ chỉ định việc người bệnh cần cấp cứu.
Hiện trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi mới chỉ đề cập đến chi trả trong phạm vi khám chữa bệnh, còn lĩnh vực dự phòng, khám sàng lọc phát hiện bệnh, như với bệnh ung thư, bệnh về máu… cũng rất cần thiết. Các bệnh này được sàng lọc sẽ giảm đáng kể chi phí điều trị, giảm chi phí chi trả của nhà nước. Hiện nhiều nước trên thế giới đã chi trả cho lĩnh vực này; thậm chí nhiều nước còn quy định phải khám sàng lọc mới được chi trả khi mắc bệnh.
Bộ Y tế cần ban hành những phác đồ, quy trình để khám sàng lọc như người già, người mắc bệnh mãn tính; hay với những người trong gia đình có nguy cơ mắc ung thư, bệnh về máu… một cách đồng bộ.
Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao tại các cơ sở y tế hiện nay, người bệnh có BHYT nhưng cơ sở y tế lại chưa có thuốc để cấp cho người bệnh, người bệnh phải mua ngoài. Hiện Bộ Y tế đã có Thông tư 22 về chi trả cho những trường hợp phải mua thuốc, vật tư ngoài. Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành Thông tư này cũng đang sửa đổi Luật BHYT; vì vậy, nội dung tại Thông tư cũng được đồng bộ với Luật để triển khai thực hiện thống nhất.
Việc tổ chức thực hiện là cực kỳ khó khăn vì quy định chi trả cho các loại thuốc thuốc hiếm, nhưng hiện các cơ sở y tế vẫn đang thiếu rất nhiều loại thuốc, vật tư khác nhau. Điều kiện thanh toán cũng gặp nhiều khó khăn. Điều kiện để thanh toán được không thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khám chữa bệnh với nhau; phải chứng minh được, ai là người.
Quy định về thuốc, thiết bị phải phù hợp với chuyên môn của cơ sở khám chữa bênh, nhưng với những trường hợp người bệnh cần phải cấp cứu khẩn trương, kể cả vượt ngoài chuyên môn, các bác sĩ vẫn phải thực hiện để cứu chữa người bệnh, những trường hợp này liệu có được thanh toán hay không?.
Cần phải có quy định rõ ràng, hướng dẫn để thực hiện một cách thống nhất, tránh trường hợp mỗi đơn vị thực hiện một cách khác nhau. Bên cạnh đó, cũng cần đồng bộ Luật BHYT sửa đổi với Luật Đấu thầu, các văn bản hướng dẫn về Luật Khám, chữa bệnh…
Đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn Hà Nội: Quan tâm hỗ trợ thẻ BHYT cho người cao tuổi
Tôi đề xuất người cao tuổi từ đủ 70 tuổi trở lên cần được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Riêng với người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tuổi được hỗ trợ có thể rút xuống là 65 tuổi.
Trong số khoảng 17 triệu người cao tuổi hiện nay, mới chỉ có khoảng 5,7 triệu người có lương hưu, nhiều người cao tuổi vẫn còn phải lao động để kiếm sống. Đối tượng này chủ yếu là sống ở nông thôn, miền núi.
Tôi đề xuất Quốc hội xem xét vấn đề này vì chúng ta đang hướng tới BHYT toàn dân. Nhưng nghịch lý hiện nay là ở riêng nhóm người cao tuổi vẫn còn tới 15% chưa có thẻ BHYT, trong khi tỷ lệ chung, chúng ta đã đạt trên 91%. Thực tế, có những xã khi đạt nông thôn mới, không còn chính sách hỗ trợ BHYT cho người cao tuổi, tỷ lệ đóng BHYT ở người cao tuổi đã sụt giảm rõ rệt, cho thấy đối tượng này rất khó khăn.
Chúng ta nên cố gắng đạt tới 95% tỷ lệ người cao tuổi có BHYT vì người cao tuổi mới là đối tượng rất nhiều bệnh, nhiều hoàn cảnh khó khăn, họ rất cần có BHYT.