Chậm khắc phục sai phạm về đầu tư xây dựng cơ bản

Sáng 10/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Tăng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội


Theo Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 của Chính phủ, năm 2011 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, quyết toán thu chi ngân sách của Nhà nước cơ bản đạt và vượt dự toán được giao. Theo đó, dự toán thu ngân sách nhà nước 595.000 tỷ đồng, quyết toán 721.804 tỷ đồng, tăng 21,3% (126.804 tỷ) so với dự toán. Dự toán chi ngân sách nhà nước 725.600 tỷ đồng, quyết toán 787.554 tỷ đồng, tăng 8,5% (61.954 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng) từ nguồn tăng thu ngân sách và nguồn năm trước chuyển sang. Bội chi ngân sách là 120.600 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Các khoản thu, chi quản lý qua ngân sách nhà nước là 57.424 tỷ đồng, vay nhà nước về cho vay lại là 28.640 tỷ đồng...


Báo cáo cũng nêu rõ: Nhờ tăng thu đã tăng chi đầu tư phát triển, tiếp tục thực hiện cơ chế khuyến khích đối với các vùng kinh tế trọng điểm, tăng đầu tư phát triển kinh tế xã hội, ưu tiên đối với các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bổ sung kinh phí quốc phòng an ninh, tăng trả nợ vay từ nguồn tăng thu; dành nguồn gối đầu cho năm 2012 để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; giảm bội chi so với Quốc hội cho phép cả về số tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm trên GDP, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.


Theo báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước cho thấy, năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã tập trung nguồn lực và nhân lực để đi sâu đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước niên độ ngân sách 2011 tại khá nhiều địa phương, đơn vị, trong đó đã cố gắng thực hiện 18 cuộc kiểm toán chuyên đề trên các lĩnh vực đang được xã hội và dư luận quan tâm. Thông qua hoạt động kiểm toán, nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước được phát hiện để kịp thời xử lý, chấn chỉnh, cung cấp thông tin và hỗ trợ cho Quốc hội, HĐND các cấp phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.


Kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách nhà nước 2010 đã được hầu hết các đơn vị được kiểm toán triển khai thực hiện khá nghiêm túc, tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa cao. Đến 31/12/2012 mới đạt 71,62% tổng số kiến nghị xử lý về tài chính, trong đó sai phạm trong chi đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số kiến nghị xử lý tài chính, nhưng thực tế tỷ lệ thực hiện kiến nghị lại thấp nhất (chỉ đạt 50,9%). Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân việc thực hiện kiến nghị chậm trễ, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản từ đó có giải pháp thích hợp để xử lý, chống thất thoát, lãng phí.


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 về cơ bản đã bảo đảm quy trình, thủ tục, nguyên tắc theo quy định của pháp luật, đủ căn cứ để trình ra Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Góp phần phát triển nông nghiệp bền vững


Chiều 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV&KDTV).


Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành luật như Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh việc ban hành luật còn nhằm thể hiện rõ quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước trong công tác BV&KDTV, phục vụ cho việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.


Các ý kiến đều cho rằng nội dung dự thảo luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, trong dự thảo luật, quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tạm ngừng hoặc cấm nhập khẩu, xuất khẩu hoặc cho phép tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật tại khoản 3 Điều 35 là chưa thống nhất với Luật Thương mại. Dự thảo luật không quy định về danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng là chưa thống nhất với quy định của Luật Hóa chất, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về vấn đề nêu trên.


Liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về BV&KDTV, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong quản lý nhà nước về BV&KDTV; trách nhiệm phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ với Bộ NN&PTNT và phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa UBND cấp tỉnh, huyện và cấp xã trong việc quản lý nhà nước về BV&KDTV.


Về thẩm quyền công bố dịch, nhiều ý kiến cho rằng thẩm quyền công bố dịch giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về BV&KDTV ở nước ta nhằm tăng cường tính chủ động của chính quyền địa phương để huy động kịp thời nguồn lực trong việc chống dịch. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thẩm quyền công bố dịch trong trường hợp dịch bệnh thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản 1 xảy ra đồng thời ở nhiều tỉnh không liền kề.


Phúc Hằng - Khiếu Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN