Nhiều ý kiến đề xuất những giải pháp để công tác phòng, chống lãng phí thực sự trở thành thói quen tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.
Bài học ngay từ khi tham gia cách mạng
Theo Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ, lãng phí được coi là một "căn bệnh" nguy hiểm, khó nhận diện hơn so với tham nhũng, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước.
Trong khi đó, tiết kiệm được xem là "quốc sách" quan trọng, giúp tích lũy nguồn lực để phát triển đất nước. Tiết kiệm là một truyền thống và là một trong những tiêu chí quan trọng mà các thế hệ cách mạng đã phấn đấu. Đại tá Võ Tấn Dũng chia sẻ, khi bắt đầu tham gia cách mạng vào năm 1965, ông đã được các anh, các chú đi trước dạy bốn chữ "đoàn, công, kỷ, tiết" nghĩa là đoàn kết, công tác, kỷ luật và tiết kiệm. Tiết kiệm không chỉ về tiền bạc, mà còn về thời gian, xương máu, súng đạn, tiết kiệm của cải do nhân dân đóng góp, từ đó đi đến thắng lợi cách mạng.
Trong bối cảnh hiện nay, Đại tá Võ Tấn Dũng cho rằng bài viết về chống lãng phí của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là rất phù hợp, nếu ai ai cũng thực hiện tiết kiệm, không lãng phí của cải, tài sản thì sẽ góp phần làm giàu trước hết cho bản thân sau đó là cho xã hội, cho đất nước. Để chống lãng phí hiệu quả, cần phải nâng cao ý thức của mọi người dân, từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân. Đảng và Nhà nước cần đưa ra các chủ trương, chính sách cụ thể và làm gương để mọi người cùng thực hiện. Việc tiết kiệm và chống lãng phí phải được thực hiện từ cấp trên xuống cấp dưới, từ trong nội bộ ra toàn xã hội.
Kiến nghị giải pháp chống lãng phí, Đại tá Võ Tấn Dũng đề nghị trước hết cần phải tiết kiệm ngân sách Nhà nước, bởi đó là của cải do nhân dân đóng góp, cái nào thật sự cần thiết hãy chi. Cơ quan nhà nước phải thực hiện chi tiêu đúng kế hoạch đã được duyệt, cắt giảm những khoản chi không thật sự cần thiết, góp phần tiết kiệm cho ngân sách. Cơ quan, đơn vị nào không làm đúng thì cấp trên phải phê bình, chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, tổ chức quán triệt từ Trung ương đến địa phương để làm tốt công tác này, phải xem tiết kiệm là quốc sách như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có nguồn lực dùng cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Cuộc chiến chống "giặc nội xâm"
Ông Lê Minh Duy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ và đồng tình với 4 giải pháp trọng tâm để chống lãng phí mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập trong bài viết. Cụ thể, việc nhận thức công tác chống lãng phí như một cuộc chiến chống "giặc nội xâm" là rất chính xác. Điều này không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà còn của toàn dân. Đặc biệt, vai trò nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức rất quan trọng, để tạo niềm tin và sự lan tỏa mạnh mẽ, từ đó hình thành thói quen tiết kiệm và tránh lãng phí trong mọi lĩnh vực.
Việc hoàn thiện thể chế và tăng cường xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản công là bước đi cần thiết để nâng cao tính răn đe và tạo môi trường minh bạch, công bằng.
Chia sẻ về thực tiễn tại địa phương, Chủ tịch UBND phường Trà Nóc cho biết, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Đảng ủy, UBND phường triển khai, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ. Đảng ủy, UBND phường tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thể hiện trên mặt: bản thân và ở cương vị chức trách, nhiệm vụ được giao.
"UBND phường xây dựng cơ chế tự kiểm tra, tự giám sát để làm cơ sở xem xét, đề nghị khen thưởng, phê bình, xử lý vi phạm đối với các trường hợp "nói không đi đôi với làm". Qua đó, tạo động lực cho cán bộ, công chức triển khai tốt công việc và mang tính răn đe đối với người chưa thực hiện nghiêm. Phát huy vai trò mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải là người tiên phong, gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", ông Lê Minh Duy nói.