Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, Trưởng Ban Chỉ đạo ngày hội, đề nghị các đại biểu thảo luật và đóng góp ý kiến để tổ chức ngày hội thành công. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh tinh thần của Ban Bí thư giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo - Ban tổ chức ngày hội, tổ chức nội dung các hoạt động cần phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa đồng bào Mông; chú trọng mời các nghệ nhân, quần chúng là đồng bào Mông ở địa phương tham gia, hạn chế sân khấu hóa; bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức.
Các đại biểu thảo luận, ý kiến tại buổi họp. |
Theo kế hoạch, tất cả 17 tỉnh thành có đồng bào Mông sinh sống sẽ tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ II. Đến thời điểm này, 14 tỉnh đã đăng ký tham gia, gồm: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk.
Hội nghị đã thống nhất thời gian ngày hội sẽ diễn ra từ 18 - 20/11/2016. Các nội dung tranh tài giữa các đoàn diễn ra trong ngày hội: Các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian dân tộc Mông, Liên hoan nghệ thuật quần chúng dân tộc Mông; trình diễn nét đẹp trong trang phục nữ dân tộc Mông; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt hóa truyền thống dân tộc Mông… Đặc biệt, khai mạc ngày hội diễn ra chương trình nghệ thuật “Bản tình ca từ trên đỉnh núi” gồm có 150 diễn viên chuyên nghiệp, 750 diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên, diễn viên quần chúng.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ngày hội cho biết, việc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quan trọng hơn khi được tổ chức tại tỉnh Hà Giang – là tỉnh có số đồng bào dân tộc Mông đông nhất, chiếm 32,57% (262.7 người). Tổ chức ngày hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên người Mông của các tỉnh trong cả nước sẽ được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày hội cũng là dịp để Hà Giang tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về Hà Giang - tỉnh địa đầu của Tổ quốc.
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Duy Truyền phát biểu tại cuộc họp. |
Các đại biểu của các địa phương tham gia ý kiến, Hà Giang là tỉnh đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II, năm 2016 cần đảm bảo an toàn và hỗ trợ tốt nhất cho các đoàn về tham dự. Ngày hội phải được chuẩn bị chu đáo, có nội dung đặc sắc, hình thức phong phú, phù hợp, nhưng phải đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Duy Truyền, thành viên Ban Chỉ đạo ngày hội cho rằng, tổ chức Ngày hội văn dân tộc Mông là thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, trong đó có dân tộc Mông. Thông tấn xã Việt Nam sẽ tham gia tích cực để thông tin và quảng bá về ngày hội bằng tất cả các loại hình thông tin: truyền hình, âm thanh, báo in, báo điện tử; bằng tiếng Việt, 11 tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam và 10 ngoại ngữ nhằm cung cấp thông tin thông tấn cho các cơ quan báo chí khác và thông tin trực tiếp tới công chúng trong và ngoài nước.
Dự kiến, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông sẽ thu hút đông đảo đồng bào Mông
trên mọi miền đất nước và du khách trong và ngoài nước đến Hà Giang
tham dự hoạt động này.
Ban Chỉ đạo đã thống nhất với các ý kiến của các đại biểu, yêu cầu Ban tổ chức chỉnh sửa và bổ sung kế hoạch tổ chức, quy chế ngày hội cụ thể và chương trình nghệ thuật, tránh sân khấu hóa, tổ chức các hoạt động ngoài trời để đồng bào dân tộc Mông có không gian thể hiện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức họp báo tại Hà Nội trước 15 ngày trước khi diễn ra ngày hội. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam là những đơn vị báo chí chủ chốt thông tin về hoạt động này.