Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Đây là dự án luật vô cùng quan trọng có tác động trực tiếp tới toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Qua theo dõi thông tin về dự án luật, bà có đánh giá như thế nào về quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật?
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là đạo luật lớn, có ảnh hưởng, liên quan nhiều đến các đạo luật và tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có rất nhiều nội dung được điều chỉnh sau khi tiếp thu ý kiến tại kỳ họp thứ 5, ý kiến nhân dân, qua các hội thảo, hội nghị đặc biệt tiếp thu, giải trình, chỉnh lý được nêu trong Báo cáo giải trình của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, thể chế hoá Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Nhiều nội dung tâm huyết, nhiều vấn đề khó khăn từ thực tiễn trong thực hiện Luật đã được tổng hợp, phân tích, đánh giá, giải trình làm rõ. Những vấn đề, nội dung phù hợp cũng đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, tổng hợp, chỉnh sửa cho phù hợp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu cũng như mục đích của việc sửa đổi Luật. Trên cơ sở rà soát những nội dung của Luật đất đai và các dự án luật có liên quan, Chính phủ đã có Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23/10/2023 về một số nội dung đối với Dự thảo Luật đất đai trong đó tập trung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các điều của Dự thảo Luật. Tôi mong muốn Dự thảo Luật sớm được thông qua để tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện, giải quyết được những khó khăn từ cơ sở; giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Những quy định được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật trình kỳ họp tập trung vào những nội dung lớn, gặp nhiều vướng mắc và được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm như: Về phân loại đất; Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm; quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất ở; cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa...
Cơ bản các nội dung của dự thảo Luật đã tiếp thu tối đa những ý kiến, kiến nghị từ các ĐBQH, nhiều nội dung đã có giải trình rất cụ thể với mong muốn giải quyết được tối ưu những vấn đề vướng mắc tại các tỉnh, thành phố. Nhiều nội dung sau khi tiếp thu đã quy định đầy đủ, chi tiết sẽ là cơ sở quan trọng để tổ chức thực hiện trên thực tế như các quy định của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự kiến, Quốc hội sẽ tiến hành Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 3/11. Vậy, đại biểu có những kiến nghị gì về dự thảo Luật này?
Để Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự tháo gỡ hết những vấn đề vướng mắc, khó khăn cũng như khi thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống, dễ thực hiện, tôi mong muốn và kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ trong việc tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật cần tiếp tục lắng nghe, tổng hợp, đánh giá những ý kiến của các vị ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả nhân dân để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, phân tích, đưa ra những phương án tối ưu để ĐBQH có thể cân nhắc, lựa chọn và bấm nút quyết định.
Dự thảo Luật hiện đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về các loại đất, tuy nhiên, về quy định đất nông nghiệp khác (điểm g khoản 1 Điều 10), hiện nay tại một số địa phương có dự án sử dụng kết hợp đất nông nghiệp để xây dựng dự án đầu tư điện mặt trời, đất nông nghiệp làm chuồng trại chăn nuôi, xây dựng nhà kính phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp thực tế đã chuyển mục đích sang phi nông nghiệp, như vậy, không nên đưa vào mục đất nông nghiệp khác. Do đó, cần quy định rõ ràng nội dung này.
Cùng với đó, về quy định đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp (điểm a khoản 2 Điều 10), Dự thảo Luật hiện mới chỉ đang quy định chung về đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị. Thực tế tỉnh Hòa Bình có một số dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp sinh thái, nghỉ dưỡng ở vùng nông thôn. Đối với các khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp như trên, nếu đất ở trong dự án quy định là đất ở tại nông thôn thì sẽ gặp khó khăn trong việc định giá đất cụ thể để xác định nghĩa vụ tài chính thu tiền sử dụng đất do tài sản so sánh tại các khu vực nông thôn không tương đồng với tính chất dự án khu đô thị cao cấp đầy đủ các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, để đảm bảo tính đầy đủ của Luật, tránh khó khăn trong việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất của dự án, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể nội dung trên.
Về quy định đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao thuộc nhóm đất phi nông nghiệp (điểm d khoản 2 Điều 10), đối với đất xây dựng sân golf, đề nghị không đưa vào nhóm đất thể dục thể thao thuộc đất công trình sự nghiệp. Để đảm bảo phù hợp với thực tế, không chồng chéo, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể, từ đó tính tiền thuê đất cho dự án sân golf, đề nghị đưa đất xây dựng sân golf vào loại đất thương mại dịch vụ.
Về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 17, Điều 49 và điểm m khoản 3 Điều 79), Dự thảo Luật đã quy định cụ thể thẩm quyền ban hành chính sách về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số (thay vì quy định chưa rõ về thẩm quyền như Điều 27 Luật Đất đai năm 2013). Tôi cơ bản nhất trí với việc quy định khung chính sách, theo đó quy định thẩm quyền ban hành khung Chính sách là Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện.
Về quy định chính sách giao đất, cho thuê đất để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số đã được giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất (khoản 3 Điều 17), tại tỉnh Hòa Bình và một số địa phương hiện có nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh do thiên tai, phải di chuyển đến nơi ở mới nhưng thiếu đất để sản xuất ổn định đời sống. Do đó, tôi đề nghị xem xét bổ sung đối với trường hợp không còn đất ở, thiếu đất nông nghiệp trong trường hợp bất khả kháng do ảnh hưởng thiên tai, ô nhiễm môi trường không sử dụng được đất hoặc do Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh, quốc phòng. Đồng thời, cũng cần quy định cụ thể nội dung trên để tránh trục lợi chính sách trong giao đất, cho thuê đất.
Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ý kiến của đại biểu ra sao?
Dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể về các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể đến trường hợp dự án đầu tư xây dựng đa mục đích như dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí tại các khu vực ở nông thôn (sử dụng đất cho mục đích đất ở; đất thương mại dịch vụ; đất công trình công cộng, kinh doanh dịch vụ…).
Thực tế hiện nay cho thấy các địa phương gặp khá nhiều khó khăn trong thu hồi đất đối với loại hình dự án này; dẫn đến không đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và thu ngân sách của địa phương, cụ thể là trong một dự án sử dụng đất đa mục đích gồm đất sân golf, đất thương mại, dịch vụ, đất ở, đất hạ tầng kỹ thuật, … không phân định được ranh giới cụ thể của từng loại đất đa mục đích trong cùng một dự án, do đó không thể phân chia 2 hình thức nhà nước thu hồi đất và thỏa thuận nhận chuyển nhượng. Mặt khác nếu phân chia loại hình thỏa thuận nhận chuyển nhượng và nhà nước thu hồi đất ở trên sẽ xảy ra bất cập do giá đền bù giữa Nhà nước thu hồi đất và thỏa thuận nhận chuyển nhượng chênh lệch nhau, gây khó khăn phát sinh khiếu nại trong quá trình thực hiện dự án.
Tôi thống nhất với phương án 1 (điểm e, g khoản 3) dự thảo Luật giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vực vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng trọng điểm thực hiện đấu thầu. Điều này phù hợp với các quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đảm bảo phân cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.
Cùng với đó, giá đất là vấn đề có rất nhiều ý kiến được đưa ra trong thời gian qua, tôi cho rằng, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu khá cơ bản, đầy đủ nội dung được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến trước đây. Trong đó, căn cứ xác định giá đất cũng là nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến. Tại điểm a Khoản 3 dự thảo Luật quy định một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất là “Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực”. Thực tế hiện nay phổ biến tình trạng giá đất được ghi trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất rất thấp, thấp hơn giá đất trong bảng giá đất tỉnh, và với các trường hợp đó cơ quan thuế sẽ căn cứ vào giá đất trong bảng giá đất tỉnh để xác định tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai (đối với trường hợp giá đất ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cao hơn giá đất trong bảng giá đất thì cơ quan thuế mới căn cứ vào giá đất ghi trong hợp đồng để xác định tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai).
Do đó, tôi đề nghị quy định nội dung này như sau: “Giá đất đã được cơ quan thuế xác định để thu nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Giá đất chuyển nhượng thành công trên thị trường được thu thập tại các sàn giao dịch bất động sản có xác nhận và đóng dấu của sàn giao dịch bất động sản”. Đồng thời, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định thật chặt chẽ, cụ thể nội dung về giá đất để đảm bảo khả thi trong thực tế.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!