Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, sát thực tế và có tính khả thi cao sẽ từng bước tháo gỡ được những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới không chỉ là kỳ vọng của cử tri, nhân dân mà còn là mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội.
Các vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm xung quanh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là các nội dung như: Bỏ khung giá đất, cách tính giá đất theo giá thị trường, vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức trao đổi với đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) về vấn đề này.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bàn thảo tại Kỳ họp thứ 5 lần này trên cơ sở đợt lấy ý kiến rộng rãi toàn thể nhân dân. Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, tại Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ rất tích cực trong việc triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai như: Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai lấy ý kiến nhân dân, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp của các địa phương đại diện cho các vùng, miền có tính đặc thù.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai; chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tại địa phương, cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Các cấp, ngành cũng đã vào cuộc, thông qua hệ thống thông tin truyền thông, việc lấy ý kiến Luật Đất đai đã được triển khai một cách rộng khắp, xuống tận cơ sở.
“Việc lấy ý kiến dự thảo Luật dù thời gian không dài, thế nhưng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đã triển khai rất nhiều, các hình thức rất đa dạng, từ việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến rồi là thông qua việc giám sát, phản biện; lấy ý kiến trực tiếp, các văn bản hoặc thông qua hội thảo, báo chí tuyên truyền đã tổng hợp được rất nhiều ý kiến của cử tri và nhân”, Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ trong việc tổng hợp, lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai cũng đã cập nhật rất nhanh và kịp thời những ý kiến của cử tri và nhân dân vào dự thảo Luật trên cơ sở sàng lọc, đánh giá và điều chỉnh vào trong dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội vào Kỳ họp lần thứ 5 này.
“So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 thì dự thảo lần này đã có nhiều quy định được bổ sung trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhân dân, trong đó đã có đánh giá cũng tương đối sâu sắc về từng nhóm vấn đề”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nói.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, dự thảo Luật Đất đai lần này đã sửa đổi bổ sung nhiều nội dung như: Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi; về đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã bổ sung quy định để tăng trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện…
“Đây là một trong những Luật rất quan trọng nên đã thu hút được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm và mong chờ sớm được thông qua theo lộ trình để được tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, dự thảo Luật cần giải quyết được vấn đề các dự án treo, chậm tiến độ. Hiện nay ở rất nhiều tỉnh, thành phố có rất nhiều dự án được cấp phép đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc chỉ thực hiện vài bước thủ tục, sau đó không triển khai 5 năm, thậm chí 10 năm gây lãng phí và bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, người dân có đất bị thu hồi thì không có đất sản xuất và địa phương cũng rất cần những khu đất để thu hút đầu tư mà không có...
“Tôi mong dự thảo luật lần này phải có quy định thật chặt chẽ, cụ thể để giúp cho địa phương xử lý được vấn đề này một cách căn cơ, triệt để. Bởi thời gian qua, nhiều dự án treo, chậm tiến độ nhưng khi chúng ta thanh, kiểm tra thì chủ đầu tư vẫn có những lý do đã hiện được một phần, hoặc do điều kiện khách quan. Do đó, nếu chúng ta quy định một cách căn cơ, cụ thể, chi tiết trong dự thảo Luật thì tôi tin rằng sẽ xử lý triệt để vấn đề này”, đại biểu Đặng Bích Ngọc chia sẻ.
Liên quan việc mà bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu cho biết, hiện đang có hai hình thức: Đối với các dự án phục vụ mục đích công cộng, lợi ích quốc gia thì Nhà nước sẽ đứng ra để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; còn những dự án kinh doanh thương mại thì doanh nghiệp đứng ra để thỏa thuận.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần cân nhắc rất kỹ về nội dung này, bởi có những dự án chồng lấn cả 2 hình thức, nếu chúng ta làm không tốt thì sẽ dẫn đến khó thực hiện được giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, hiện nay các địa phương rất cần có mặt bằng sạch để thu hút đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nếu không làm tốt thì đây sẽ là điểm nghẽn.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, một trong nhưng nội dung chủ yếu khi thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là phải xác định giá đất. Dự thảo Luật có quy định “sát giá thị trường”, tuy nhiên việc xác định rất khó vì giá thị trường có thể thay đổi theo từng ngày, thậm chí từng giờ.
“Vì vậy, cần phải có những quy định để xác định giá đất thật chặt chẽ, thật chi tiết và hướng dẫn phải làm sao để đảm bảo “công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan” nhưng phải đảm bảo giá đất vẫn phải có định hướng trên một nền tảng nào đó, nếu không việc thực hiện giải phóng mặt bằng sẽ rất vướng”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nói.
Đặc biệt, vấn đề thực hiện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, theo quy định thì “nơi tái định cư nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ”, nhưng để xác định được thế nào là bằng, thế nào là tốt hơn là rất khó. Bởi, có thể ở vị trí cũ có thể không đẹp nhưng người dân có cái mưu sinh tốt, còn khi về nơi ở mới có thể có vị trí đất đẹp hơn, thế nhưng lại không phù hợp với canh tác của người dân. Nhiều khi chúng ta đã xây dựng cơ sở hạ tầng, đường, trường, trạm nhưng người dân chỉ sang ở một thời gian ngắn rồi lại quay trở về hoặc là đi tìm một chỗ nào đó nó phù hợp với cuộc sống hơn.
“Chính vì vậy, tôi rất mong là trong thời gian tới, chúng ta phải định hướng được những nội dung, chủ trương lớn, để việc sửa đổi Luật sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân để phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ được vướng mắc”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.