Nhiều đề án trọng điểm nhiệm kỳ được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị gắn bó mật thiết với yêu cầu, đòi hỏi sáng tạo của đoàn viên, thanh niên như: Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022-2030”; Đề án “Thành lập Quỹ Hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng”; Đề án “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh, thiếu nhi Việt Nam trong tình hình mới”...
Theo đó, tổ chức Đoàn hướng tới lựa chọn những mô hình, cách làm hiệu quả để nhân rộng theo hướng có chiều sâu, bền vững trong toàn Đoàn, tạo dấu ấn xã hội tích cực, phát huy tính sáng tạo toàn diện trên các mặt: trong học tập, nghiên cứu khoa học; trong lao động, sản xuất, kinh doanh; trong công tác, phục vụ nhân dân; trong đời sống, sinh hoạt; gia tăng hàm lượng tri thức, sáng tạo gắn với chuyên môn, thế mạnh của từng đối tượng thanh niên trong giải quyết các vấn đề mới, khó tại địa phương, đơn vị.
Đặc biệt, đoàn viên, thanh niên cần nâng cao nhận thức, tâm thế và phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng thành quả, vận dụng có hiệu quả những yếu tố tích cực từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, bởi đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn 2021-2030, góp phần phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh, thiếu niên có nhận thức, thái độ đúng đắn về chuyển đổi số; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo,... trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia”, cũng được xác định là một trong ba nhiệm vụ đột phá nêu tại dự thảo Báo cáo chính trị lần này.
Cho rằng việc triển khai chuyển đổi số trong tổ chức Đoàn hiện nay còn chậm và chưa đồng bộ nếu xét toàn diện trên phạm vi tổng thể cả nước, theo anh Hoàng Anh Đức, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), một phần nguyên nhân trở ngại là do cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận đoàn viên, thanh niên còn tư duy ngại thay đổi trong việc tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ; chưa mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó để thể hiện vai trò, năng lực của tuổi trẻ.
Để giải quyết thực trạng trên, đoàn viên, thanh niên cần tích cực triển khai thực hành chuyển đổi số thường xuyên, từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Anh Hoàng Anh Đức đề xuất lấy đội ngũ cán bộ trẻ, đoàn viên, thanh niên được đào tạo bài bản, chính quy tại các học viện, nhà trường làm hạt nhân nòng cốt để tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng, đào tạo, lan tỏa chuyển đổi số tại tổ chức Đoàn.
Trung ương Đoàn làm đầu mối chủ trì, chỉ đạo và định hướng thực hiện chuyển đổi số trong toàn quốc thông qua việc xây dựng đề án có lộ trình, có đơn vị làm điểm theo cụm đoàn, sau khi đạt hiệu quả sẽ thực hiện nhân rộng. Đây là hành lang pháp lý có hiệu lực và hiệu quả để các đơn vị tổ chức thực hiện đồng bộ, rộng rãi. Bên cạnh đó, cần đưa chuyển đổi số thành một trong những nội dung chính của các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác thanh niên, đoàn, hội hàng năm.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an có chức năng quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, cán bộ, chiến sỹ của đơn vị là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng đón, tiễn công dân Việt Nam, người nước ngoài xuất, nhập cảnh Việt Nam. Lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh không chỉ là “bộ mặt” của lực lượng Công an nhân dân, mà còn phản ánh hình ảnh về con người, đất nước Việt Nam trước du khách quốc tế.
Theo Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Ngô Minh Tú, phát huy tính sáng tạo của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ công tác luôn là trọng tâm được đoàn viên, thanh niên của Cục hướng tới, với khâu đột phá là sáng tạo trong công tác chuyển đổi số. Cùng với việc nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, cũng như trách nhiệm của tuổi trẻ trong vấn đề này, Đoàn Thanh niên của đơn vị luôn chú trọng tổ chức chia sẻ, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh niên.
Để thực hiện chuyển đổi số, chính đội ngũ đoàn viên thanh niên phải là nhân tố then chốt, được trang bị đầy đủ kỹ năng và khả năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, các trang thiết bị, phương tiện phục vụ chuyển đổi số. Do đó, Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho rằng, các cấp bộ Đoàn, đặc biệt tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công, cần tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm, đề xuất đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đoàn viên thanh niên, bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu công tác trong quá trình chuyển đổi số.
Cùng với đó, cần tuyên truyền, thay đổi thói quen và hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Anh Ngô Minh Tú cho rằng, với lợi thế là lực lượng trẻ tuổi, đoàn viên thanh niên có khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại thông qua các thiết bị công nghệ và môi trường mạng. Đây cũng là đội ngũ chính để tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ số vào cuộc sống.
Lực lượng Công an nhân dân có rất nhiều cán bộ trẻ có trình độ cao về công nghệ thông tin và nhiệt huyết với công việc. Nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua đã chứng minh cho trí tuệ, sức sáng tạo của tuổi trẻ Công an nhân dân. Việc xây dựng những sản phẩm công nghệ thông tin cũng là xu thế chung, cần được nhân rộng và phát huy trong thời gian tới. Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Quản lý xuất nhập cảnh đề xuất, cần tăng cường các công trình, phần việc thanh niên về ứng dụng khoa học - công nghệ để phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cũng như góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước.