Dự lễ có Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các trưởng lão Hòa thượng Hội đồng Chứng Minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và khoảng 500 tăng, ni, phật tử tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện một số ban, ngành, cơ quan ở Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện dòng họ Trần tại Nam Định cùng dự lễ.
Tuyên đọc lời tưởng niệm tôn vinh công lao của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh: “Nhân lễ kỷ niệm 712 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, toàn thể tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, nhân dân Việt Nam, con cháu Tiên Rồng xin dâng lời tưởng niệm chân thành, tâm cảm ý giao, một lòng thành kính phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ, vang danh “Non thiêng Phật Tổ”, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở”.
Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định, tăng, ni, phật tử Việt Nam nguyện giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “tốt đời đẹp đạo”; duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng nhờ ngoại lực để phát huy đạo pháp và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ.
Nhắc lại tiểu sử Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết: Cách đây hơn 700 năm, vào năm Kỷ Hợi (1299), Hoàng đế Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, lấy đạo hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài đã thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó để thành lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc Đạo”, “Hòa quang đồng trần” là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc.
Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc; là nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo. Đức vua đã sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.
Nhân dịp này, tại Việt Nam Quốc tự cũng đã diễn ra lễ cung rước, chiêm bái tượng Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông được cung rước từ Đền thờ Thái tổ Thái thượng hoàng Trần Thừa (Nam Định). Tôn tượng Phật hoàng được làm bằng gốm đỏ Luy Lâu ở tư thế ngồi với chiều cao 2,2m, thể hiện hình ảnh Đức vua Trần Nhân Tông ngồi bên suối, cởi bỏ hoàng bào để quy Phật.
Ngày 20/12, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ được an vị theo nghi thức Phật giáo tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang); cùng ngày sẽ diễn ra lễ đặt đá xây dựng Quần thể không gian Thiền sư Việt tại Thiền viện.