Chia sẻ quan điểm bên hành lang kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải có giải pháp khắc phục điểm nghẽn về mặt thể chế; đồng thời có biện pháp quyết liệt trong việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, tạo sự công bằng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Các đại biểu đánh giá, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản; đồng thời kịp thời khắc phục hậu quả sau bão, lũ. Trong khó khăn, hoạn nạn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của nhân dân được phát huy. Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm hỏi, cùng dân khắc phục hậu quả làm cảm kích lòng dân.
Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo... đã được quan tâm phát triển toàn diện. Đặc biệt, Chính phủ đã phát động Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025”. Đây là chính sách nhân văn, nhân bản thể hiện bản chất của chế độ ta, được nhân dân, cử tri cả nước đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung khắc phục. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là các yếu tố từ bên ngoài. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, vì "giao thông thông thì vạn sự hanh thông".
Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang), công tác hoàn thiện thể chế là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và đóng góp ý kiến nhằm giải quyết những “điểm nghẽn”, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, từ đó phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu Thanh Lam cho rằng, thời gian qua, nhiều luật đã được thông qua nhưng việc ban hành văn bản hướng dẫn vẫn còn chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết các thủ tục hành chính ở nhiều địa phương.
Từ thực tiễn trên, đại biểu kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra. Đặc biệt, cần thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.
Nêu ý kiến về việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, nhiều đại biểu cho rằng, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều nơi, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra, thậm chí có những người bất chấp hệ quả, miễn là có lợi. Nhiều khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của luật pháp trong quản lý để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này chung với vật liệu thông thường để tiêu thụ, mà không bị phát hiện.
Phân tích về vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) khẳng định, nguồn lợi từ việc khai thác cát trái phép là rất lớn nên dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng việc giải quyết triệt để vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đại biểu, đây là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận nên việc khai thác cát phải qua đấu thầu, tuy nhiên hoạt động này cũng có tiêu cực, dẫn đến sự thiếu công bằng. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần có giải pháp hiệu quả, kiên quyết thực hiện để đảm bảo sự minh bạch cũng như hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, Nhà nước và nhân dân.