Video Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH Hải Dương chia sẻ:
Dự thảo luật quy định "Người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng gồm học sinh trường giáo dưỡng và người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng". Theo giải thích từ ngữ như vậy, đại biểu cho rằng, tất cả học sinh trường giáo dưỡng đều là người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng (tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Cấm tiếp xúc; Quản thúc tại gia đình; Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; Cấm đến một địa điểm nhất định).
Nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính, học sinh trường giáo dưỡng còn bao gồm một số trường hợp người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật mà không phải là tội phạm. Theo tôi, nên quy định như khoản 4 Điều 4 dự thảo thì nhóm này cũng là đối tượng người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng. Vì vậy, để thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo tính chính xác để nghị quy định rõ nội dung này.
Tôi cho rằng, cần có sự phân biệt giữa học sinh trường giáo dưỡng là đối tượng chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng và đối tượng chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp học sinh trường giáo dưỡng theo quy định tại khoản 4 điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính để thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo tính chính xác.
Về nội dung dự thảo Luật quy định: "Việc xem xét dấu vết trên thân thể của người chưa thành niên là bị hại phải có sự tham gia của người đại diện của họ" là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bị hại là người chưa thành niên. Đồng thời, nên cân nhắc xem xét quy định thêm về sự đồng ý của chính người chưa thành niên là người bị hại nếu người đó ở độ tuổi đã có những nhận thức nhất định (có thể từ 13 tuổi trở lên) đối với việc xem xét dấu vết trên thân thể, đặc biệt đối với những khu vực, bộ phận nhạy cảm, riêng tư. Điều này thể hiện sự tôn trọng cũng như tránh gây những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đối với người bị hại là người chưa thành niên.
Với những tội phạm chưa thành viên chúng ta xem xét áp dụng biện pháp kiểm soát giáo dục chuyển hướng. Theo Luật xử lý vi phạm hành chính với trường giáo dưỡng có hai đối tượng. Một là các em vi phạm pháp luật, hai là những em mà có hành vi vi phạm pháp luật nhưng mà chưa phải là tội phạm. Nếu như chúng ta quy định chung là đối tượng xử lý chuyển hướng, vô tình lại đưa các em vi phạm nhưng chưa phải là tội phạm vào quy định chung.
Nếu chúng ta xử lý một cách quá nghiêm khắc với những tội phạm chưa thành niên thì vô tình tước đi cơ hội vươn lên của các em. Ở lứa tuổi chưa thành niên, các em vẫn chưa suy nghĩ thấu đáo được, thậm chí chưa nhận thức được đầy đủ các quy định của pháp luật mà chúng ta xử lý một cách quá cứng nhắc dẫn đến những cú sốc đầu đời với các em. Làm thế nào để các em tiếp tục hòa nhập cộng đồng và vươn lên mới là cái khó.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông:
Dự thảo Luật đưa ra các biện pháp xử lý chuyển hướng như: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác…
Để tránh gây mặc cảm, tác động xấu đến tâm lý của người chưa thành niên, dự thảo đã đưa ra quy định việc tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phải bảo đảm an toàn và tránh bị kỳ thị. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong thực tiễn của đời sống xã hội, dân số sinh sống ở vùng nông thôn chiếm tỷ lệ lớn, các phong tục, tập quán, truyền thống, hương ước, quy ước điều chỉnh cơ bản đến các ứng xử của người dân; trong khi đó, người chưa thành niên đang ở độ tuổi nhạy cảm từ thể chất đến tâm lý, cảm xúc.
Vì vậy, tôi đề nghị cần hết sức cân nhắc khi đưa ra các quy định thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng, vì có thể tác động tiêu cực đến người chưa thành niên, không thể tránh được kỳ thị trong gia đình, xã hội.