Các đại biểu dự Hội nghị nghe báo cáo viên truyền đạt 2 chuyên đề: "Một số quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng"; "Báo cáo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII".
Thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh tinh thần đổi mới, trách nhiệm rất cao tại Hội nghị. Hội nghị đã rút ngắn thời gian, làm việc cả ngoài giờ hành chính và hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Trung ương thống nhất xác định 4 nhóm vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện Văn kiện.
Đó là, về đột phá chiến lược, thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ; đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là ưu tiên cao nhất.
Bên cạnh đó là xác định 8 vấn đề về phương hướng, giải pháp chiến lược; về một số vấn đề mới từ thực tiễn cần tiếp tục khẩn trương tổng kết, làm rõ; khắc phục các hạn chế đã nêu trong các báo cáo chính trị, kinh tế - xã hội (về thể chế và pháp luật; vận hành bộ máy; huy động, sử dụng, phân bổ nguồn lực; công nghiệp hóa, hiện đại hóa, liên kết vùng, công nghiệp văn hóa, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, ô nhiễm môi trường; về hiệu quả sản xuất).
Công tác nhân sự luôn được Trung ương đặt ở vị trí “then chốt” của “then chốt”, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trên cơ sở thảo luận dân chủ, trách nhiệm và thẳng thắn, Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu, yêu cầu công tác nhân sự Đại hội XIV, trong đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước phải là một tập thể trong sạch, vững mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực lãnh đạo và uy tín; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân. Thực hiện tốt phương châm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao…
Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Thể đề nghị các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ Khối, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, nghiên cứu kỹ, nắm rõ các nội dung căn bản của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, quán triệt đầy đủ, sâu sắc và lãnh đạo cấp ủy, đơn vị mình thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, tập trung cao nhất các công việc “về đích” để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các công việc chuẩn bị tốt nhất cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Về một số quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khái quát một số nội dung trọng tâm.
Trong đó, Văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, các dự thảo báo cáo trình Trung ương cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên cần phải tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện.
Đối với Báo cáo chính trị, cần phải đạt tầm mức công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan, xu thế vận động mới của thời đại và thực tiễn đất nước; kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai; chỉ rõ những định hướng lớn để các cấp ủy, mọi đảng viên thấm nhuần và thực hiện; thật sự là “ngọn đuốc soi đường” dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào kỷ nguyên mới, sớm đạt các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước.
Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng phải thể hiện rõ những luận điểm khái quát trong Báo cáo chính trị; tổng kết 40 năm đổi mới phải phản ánh đầy đủ thực tiễn đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, củng cố luận cứ vững chắc để định ra phương pháp cho Cách mạng Việt Nam trong thời đại mới…