Theo các đại biểu, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới, cải cách tiền lương cũng như các chính sách gắn theo lương; giúp cho những người được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đảm bảo được điều kiện cuộc sống, yên tâm công tác, làm việc. Việc tăng lương lần này cũng thực hiện tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW và Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị.
Theo mức tăng lương mới, từ ngày 1/7/2024, Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng; tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; bổ sung quỹ tiền thưởng của khu vực công bằng 10% quỹ lương cơ bản. Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng ,9% từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng 6%. Trong điều kiện hiện nay, nhất là sau đại dịch COVID-19, nhiều nước còn đang gặp khó khăn thì việc tăng lương là nỗ lực rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và phương án đề xuất tăng lương của Chính phủ là phương án tối ưu.
Về nguồn lực thực hiện, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết, theo đề xuất của Chính phủ từ 5 nguồn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW và Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, từ nguồn tăng thu và nguồn dư (tiết kiệm) của địa phương đã bố trí cải cách tiền lương từ những năm trước mức độ rất khác nhau. Có địa phương đảm bảo thực hiện, có những địa phương rất khó khăn, do đó Chính phủ cần có giải pháp, cơ chế hỗ trợ cho đơn vị còn khó khăn này để đảm bảo thực hiện được đồng bộ về chế độ chính sách điều chỉnh tiền lương. Mặt khác, để đáp ứng nguồn lực tăng chi theo chế độ tăng lương mới, cũng cần có cơ chế quy định hướng dẫn thu đúng, thu đủ các thuế, dịch vụ. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề này và có cơ chế hướng dẫn phù hợp giảm tác động xã hội, đồng thời đảm bảo nguồn lực để thực hiện.
Còn đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng, trong khi chưa thực hiện được các bảng lương và phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, thì việc tăng lương là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu để chậm nhất đến hết nhiệm kỳ này phải hình thành được thang bảng lương mới và xác định được các vị trí việc làm, mô tả các vị trí việc làm và trả lương theo mô tả đó như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương, để nhiệm kỳ Quốc hội khoá mới có thể triển khai.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Kim Toàn cho rằng, Chính phủ cần tính toán, có phương án phù hợp để cấp bù lương phần tăng thêm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ. Bởi với các đơn vị này, phần kinh phí cân đối để trả lương viên chức chính là nguồn thu từ giá dịch vụ. Trong khi chưa điều chỉnh giá dịch vụ thì sức ép rất lớn với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ. Đồng thời, khi tăng lương, giá tiêu dùng sẽ tăng, cũng tác động đến đời sống người dân, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm có phương án cho tình huống này.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh, việc điều chỉnh tiền lương từ ngày 1/7 sắp tới là đợt điều chỉnh lớn nhất từ trước đến nay. Và câu chuyện cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát, giá cả để không xảy ra tình trạng “lương tăng, giá cũng tăng” không phải là chuyện mới. Vì vậy, bài toán đặt ra hiện nay với Chính phủ là phải có giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô để kiểm soát được giá cả, ngăn hiện tượng "té nước theo mưa", lợi dụng tăng lương để tăng giá bất thường. Từ đó để việc tăng lương thật sự cải thiện đời sống người lao động và niềm vui tăng lương được trọn vẹn.
Cũng đồng quan điểm này, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, khi được Quốc hội thông qua thì Chính phủ cần có những giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực, đặc biệt tránh tối đa tình trạng "tăng lương nhưng đồng thời cũng tăng giá" làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương. Chính phủ cần xem xét, đánh giá một số tác động ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát, bởi khi tăng tiền lương có nghĩa sẽ làm tăng chi tiêu công, hoặc cũng có thể làm tăng nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng.