Năm 2022, thực hiện phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả, phục hồi phát triển” của Chính phủ, ngành Tư pháp đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, với sự tham mưu trực tiếp, trách nhiệm của Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 luật, 6 nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, chất lượng thẩm định văn bản tiếp tục được nâng cao; tiến độ được đẩy nhanh hơn. Bộ Tư pháp đã thẩm định 283 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 521 dự thảo. Các Sở Tư pháp thẩm định gần 5.000 dự thảo và trên 2.800 dự thảo do các Phòng Tư pháp thẩm định.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và các địa phương đã tổ chức được nhiều hoạt động, có hiệu quả tích cực.
Kết quả thi hành án dân sự xong về tiền đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021; trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng (tăng gần 12.000 tỷ đồng), số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24%.
Thông tin thêm tại cuộc họp báo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thắng Lợi cho biết, năm 2022, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản ở một số vụ án lớn. Điển hình như việc xử lý tài sản là các lô đất tại Dự án khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) trong vụ án Phạm Công Danh, số tiền phải thi hành án lên tới hơn 4.100 tỷ đồng. Do thực trạng quy hoạch, việc xử lý các lô đất này gặp khó khăn.
Trong vụ án Hứa Thị Phấn, cơ quan chức năng đã tổ chức thi hành gần 7.000 tỷ đồng và vẫn còn phải thi hành trên 9.700 tỷ đồng. Tuy nhiên đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản kê biên. Dự án Bệnh viện Đa khoa Phú Mỹ được cơ quan tố tụng kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án cho bà Hứa Thị Phấn nhưng hiện nay dự án không đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định pháp luật. Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các ban, ngành, địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp.
Về câu hỏi liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm thi hành án trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC có khó khăn, vướng mắc gì khi một số đối tượng đang bỏ trốn, ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết, hiện nay, vụ án đang được xét xử theo quy định. Nếu trong quá trình đó phát sinh vấn đề liên quan đến thi hành án, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xử lý theo quy định, trong đó có thủ tục về tương trợ tư pháp.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, năm 2023, dự kiến còn nhiều vụ việc khó khăn, vướng mắc. Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục chỉ đạo sát sao Cục Thi hành án dân sự các địa phương xử lý tài sản kê biên để đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật; chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ hiện trạng, tình trạng xử lý tài sản, đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản bị thất thoát cho Nhà nước trong các vụ án.
Cùng với đó, Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với các bộ ngành, UBND, các tỉnh ủy tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, chủ động tham mưu công tác chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng; đồng thời tổ chức đoàn kiểm tra các vụ việc; làm việc với với các địa phương để thúc đẩy việc thu hồi nhanh tài sản tham nhũng, thất thoát lớn.