Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng:
Khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư
Với chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, Đà Nẵng thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, quản lý đất đai, xây dựng. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; rà soát, đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để điều chỉnh, bổ sung.
Thành phố cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương tham mưu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; đẩy nhanh quá trình đề xuất các cơ chế để hình thành Trung tâm Tài chính quy mô khu vực và Khu phi thuế quan thành phố Đà Nẵng…
Đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ:
Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù
Thành phố Cần Thơ tiếp tục xây dựng thể chế, thực hiện hiệu quả một số cơ chế, chính sách đặc thù, đảm bảo đúng thẩm quyền và phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội thành phố. Thành phố quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; có cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi, đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, nhất là thu hút đầu tư ngoài ngân sách.
Hoàn thiện và tổ chức triển khai Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên:
Lấy công nghiệp làm đòn bẩy
Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu và hướng đi cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lấy công nghiệp là trọng tâm làm đòn bẩy góp phần tăng trưởng RGDP của tỉnh. Tỉnh đã xác định năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của đất nước.
Tập trung chú trọng vào việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI theo hệ sinh thái phát triển về công nghiệp điện tử hiện đại, công nghiệp bán dẫn…
Tỉnh lấy công nghiệp để bù đắp cho phát triển nông nghiệp và lấy vùng có lợi thế phát triển để bù đắp cho những khu vực ở vùng sâu, vùng xa.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình:
Nâng cao giá trị nông sản
Tỉnh Thái Bình chỉ đạo nhanh chóng đưa các dự án trọng điểm sớmđi vào sản xuất, trong đó có những dự án đầu tư đã khởi công xây dựng trong hơn 1 năm qua cần đưa vào hoạt động để khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp của công nghiệp địa phương như: Dự án Khu công nghiệp Liên Hà Thái,Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và một số dự án đầu tư xây dựng ở một số doanh nghiệp trong tỉnh.
Tỉnh tập trung đi sâu vào chuyển đổi phát triển ngành nông nghiệp, chú trọng những mô hình sản xuất nông nghiệp đã được định hình trong thời gian qua, nay tiếp tục nhân rộng và đầu tư chiều sâu góp phần nâng cao giá trị nông sản, nhất là cây lúa.
Thái Bình cũng sẽ đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng một số cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng đảm bảo đồng bộ, đạt tiêu chuẩn; sớm cấp phép một số dự án sản xuất gắn với khu vực nông thôn để giải quyết việc làm cho người dân; kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, góp phần giải quyết tình trạng dư thừa lao động nông nhàn.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa:
Giải quyết các điểm nghẽn về mặt bằng
Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo quản lý các cơ quan, địa phương, đơn vị phải gương mẫu, cầu thị, tận tâm, tận lực, tâm huyết, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Khắc phục tình trạng quan liêu, chủ quan, lơ là, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Kiên quyết điều chuyển, bố trí lại những cán bộ quản lý thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ; người đứng đầu để địa phương, đơn vị có nhiều hạn chế, yếu kém do nguyên nhân chủ quan.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ quyết liệt tháo gỡ, giải quyết các “điểm nghẽn” về mặt bằng, về hạ tầng, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh:
Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đề ra 12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, môi trường; đồng thời xác định chủ đề năm là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.
Quảng Ninh sẽ tập trung phát huy tối đa mọi tiềm năng, lợi thế khác biệt, năng lực hạ tầng giao thông vượt trội để phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao; huy động sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp mới, kinh tế hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình; ổn định và phát triển bền vững ngành than.
Đưa chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới bền vững... đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La:
Tạo chuyển biến trên 4 lĩnh vực
Tỉnh đặt trọng tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ ở 4 lĩnh vực: Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; phát triển hạ tầng; cơ cấu lại và sử dụng hiệu quả nguồn lao động.
Các cấp uỷ, chính quyền cần nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh và chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính, mặt bằng sạch, thị trường đầu ra của sản phẩm, nguồn nhân lực, sự tin cậy và thân thiện của cán bộ, công chức và người dân…
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm của tỉnh, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, mở rộng năng lực sản xuất, nhất là các sản phẩm công nghiệp chế biến nông sản, gắn với khai thác tiềm năng các vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng:
Chuẩn bị mọi điều kiện thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia
Tỉnh tập trung chuẩn bị thực hiện các công trình trọng điểm của quốc gia trên địa bàn như dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và dự án cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu, nối hai tỉnh Sóc Trăng - Trà Vinh, phấn đấu đủ điều kiện khởi công cả hai dự án này trước ngày 30/6/2023.
Sóc Trăng quan tâm công tác quy hoạch, định hình khung kiến trúc phát triển của tỉnh với tinh thần là quy hoạch có tính bền vững, lâu dài, tầm nhìn xa và quản lý phát triển theo đúng quy hoạch.
Địa phương sớm hoàn thành, triển khai quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch có liên quan đến Cảng nước sâu Trần Đề, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị...
Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk:
Tập trung thực hiện quy hoạch tỉnh
Năm 2023, Đắk Lắk tập trung triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức thành công Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023; triển khai thực hiện các Nghị quyết về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột, hoàn thành lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Buôn Ma Thuột giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tích cực triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Trung ương cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Tỉnh cũng tập trung xử lý các vụ vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng và quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường tổ chức đối thoại với nhân dân, nhất là đối với các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài; triển khai các biện pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang:
Triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia gắn với 3 đột phá
Tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia gắn với 3 đột phá của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tỉnh triển khai hiệu quả quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với giữ gìn cảnh quan, bản sắc, môi trường; lựa chọn những lợi thế, tiềm năng để ưu tiên triển khai thực hiện; tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng thương mại, nhất là hạ tầng dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu khách du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch Hà Giang xanh, sạch, bản sắc; triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội…