Đại hội có sự tham dự của 250 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 530 nghìn người dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Đại hội đề ra một số mục tiêu trọng tâm đến năm 2029 là: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả nước, đạt 113 triệu đồng/người/năm; 35% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; hỗ trợ giải quyết từ 80-100% số hộ khó khăn đang thiếu đất ở, đất sản xuất. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% và đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 40%; giải quyết việc làm từ 75-80% trong số lao động qua đào tạo...
Tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn, thôn bản đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98% dân số. Điện Biên phấn đấu 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh địa phương, phù hợp văn hóa, tập quán từng dân tộc.
100% xã có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội. Đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số các cấp theo quy định.
Tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội nhận thức sâu sắc hơn nữa về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc; tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nòng cốt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ năng lực, uy tín với số lượng ngày càng tăng hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cùng với đó là tập trung hiệu quả chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm từng bước phát triển toàn diện, vững chắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà mong muốn, thời gian tới, đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên không ngừng nỗ lực, vượt khó vươn lên, thay đổi nếp nghĩ, cách làm và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Đồng bào cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời kiên quyết bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết...
Giai đoạn 2019-2024, tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên duy trì ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt khoảng 9,3%/năm (đưa Điện Biên xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong nước). Toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn và cơ bản chuẩn nông thôn mới. Điện Biên có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Đặc biệt, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt những kết quả khá toàn diện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 5%/năm vượt mục tiêu của Chương trình (đến cuối năm 2023 là 25,%); văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế bảo đảm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số có những chuyển biến tích cực, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong đồng bào các dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, gương điển hình tiêu biểu về phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 5 cá nhân và Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
UBND tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen cho 30 tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh trên địa bàn tỉnh.