Đồng Nai thu hồi đất để thực hiện các dự án trọng điểm
Tại Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Đồng Nai đã biểu quyết thông qua 8 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo đó, HĐND tỉnh đã biểu quyết, thông qua nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất năm 2024; nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản công và hàng hóa dịch vụ đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Đối với nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện 6 dự án có tổng diện tích thu hồi hơn 163 ha. Riêng dự án Khu đô thị Hiệp Hòa (thành phố Biên Hòa) có tổng diện tích thu hồi đối với đất lúa 141 ha; dự án Khu tái định cư tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) có diện tích đất lúa thu hồi 19 ha.
Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 4 dự án. Trong đó, diện tích thu hồi lớn nhất là 25 ha rừng sản xuất và gần 1 ha rừng phòng để thực hiện Dự án cụm công nghiệp Long Phước 1 (huyện Long Thành).
Ngoài ra, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất thông qua danh mục 8 dự án thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích thu hồi gần 351 ha; thống nhất thông qua qua danh mục 51 dự án thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội với tổng diện tích đất thu hồi gần 98 ha. Đáng chú ý trong danh mục này có 4 công trình năng lượng để giải tỏa công suất cho hai Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Đây là hai dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên ở Việt Nam, do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn 1,4 tỷ USD đang hoàn thiện, dự kiến đi vào hoạt động chính thức trong quý I/2025.
Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, các nghị quyết và nội dung được thông qua tại kỳ họp đều là những vấn đề cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là việc thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án. Đề nghị, UBND tỉnh khẩn trương ban hành đầy đủ các quy định theo thẩm quyền; thực hiện hiệu quả các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành; thực hiện theo thẩm quyền và trình HĐND tỉnh ban hành các quy định trong thực hiện Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
An Giang có nhiều cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Cùng ngày, HĐND tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 23 (chuyên đề) để giải quyết một số nội dung theo đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã thông qua 4 nghị quyết quan trọng, gồm: Quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; Ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Quy định tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức tỷ lệ thu đối với đất xây dựng công trình ngầm, mức tỷ lệ thu đối với đất có mặt nước và Quy định chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn An Giang, tỉnh sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa phương. Theo đó, An Giang sẽ hỗ trợ 100% các khoản phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Tỉnh cũng hỗ trợ nhà đầu tư 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: Điện chiếu sáng công cộng, sân bãi, đường nội bộ, cây xanh trong phạm vi dự án nhà ở xã hội, trên cơ sở thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 4,5 tỷ đồng/dự án. Song song đó, An Giang sẽ thực hiện giao quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội đối với dự án nhà ở xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 83 Luật Nhà ở.
Nguồn vốn hỗ trợ được thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công do cấp tỉnh quản lý. Khoản kinh phí hỗ trợ được giải ngân sau khi dự án được nghiệm thu hoàn thành theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, giai đoạn 2021-2030, An Giang đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là 441.000m2 sàn, tương ứng với 6.300 căn. Trong đó mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 2.500 căn và đến năm 2030 hoàn thành 3.800 căn.
Từ năm 2021 đến đầu tháng 10/2024, tại An Giang có 4 dự án phát triển nhà ở xã hội triển khai xây dựng với quy mô 5.290 căn hộ. Đến nay, các dự án này đã hoàn thành trên 1.500 căn nhà ở xã hội. Dự kiến đến hết năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành thêm trên 1.900 căn nhà ở xã hội với diện tích khoảng 209.791 m2 sàn.
Bế mạc kỳ họp, ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang yêu cầu UBND tỉnh tổ chức triển khai để đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh cùng các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.