Dư địa cho vay bất động sản hiện ra sao?

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng về quan điểm Việt Nam còn dư địa để cho vay bất động sản.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Đức đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, qua nghiên cứu, so với thị trường bất động sản Trung Quốc, dư nợ bất động sản tại Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 20%. Trong khi Trung Quốc có thời điểm là hơn 30%. Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng đối với bất động sản tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 20 - 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. 

Chú thích ảnh
Tín dụng bất động sản hồi phục cùng thị trường. Ảnh: TTXVN

“Việc các tổ chức tín dụng – TCTD cấp tín dụng vào lĩnh vực nào? tỷ lệ bao nhiêu còn tùy thuộc vào quyết định của tổ chức tín dụng (TCTD), trên cơ sở phụ thuộc vào nguồn vốn mà TCTD huy động. Với mỗi ngân hàng, việc huy động tiền gửi của người dân ở các kỳ hạn là khác nhau. Có ngân hàng huy động được nhiều nguồn vốn dài hạn, nhưng cũng có nơi huy động được vốn ngắn hạn. Do đó, khi cấp tín dụng bất động sản - tín dụng trung dài hạn, các ngân hàng phải cân đối”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Theo “tư lệnh” ngành Ngân hàng, toàn hệ thống Việt Nam việc huy động chủ yếu là ngắn hạn (chiếm đến 80%) do vậy, khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản phải đảm bảo nguyên tắc ngân hàng hoạt động, đảm bảo an toàn. Để khi người dân rút tiền, TCTD vẫn đảm bảo khả năng chi trả. "NHNN không có quy định cấm cho vay bất động sản. Thời gian qua, nhiều TCTD đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân". Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), làm sao để kiểm soát rủi ro ngắn hạn của “bong bóng” bất động sản, tài chính? Thống đốc nêu: Từ nửa cuối năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thực hiện 2 chính sách: Chính sách tài khoá mở rộng hợp lý có trọng tâm trọng điểm và chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt. 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, NHNN luôn phải theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành với liều lượng phù hợp. Trong quá trình điều hành, NHNN không bao giờ chủ quan với mục tiêu lạm phát. Dự kiến định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, năm 2025 phấn đấu 15%. Trong trường hợp áp lực lạm phát hiện hữu, NHNN sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, phối hợp với các bộ ban ngành khác để điều hành phù hợp. 

Theo báo cáo từ NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, tín dụng bất động sản tăng 9,15% so với cuối năm 2023, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống (9%). Tín dụng bất động sản tiêu dùng (gồm các khoản vay mua nhà, sửa nhà của cá nhân) chỉ tăng 4,62%. Tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản đã giảm từ 65% xuống còn 60%, trong khi tỷ trọng tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản tăng từ 35% lên 40%. 

Thực tế, thị trường bất động sản sau một thời gian dài trầm lắng đang có xu hướng phục hồi trở lại. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản quý III/2024 đã phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn nhờ sự ổn định của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Nhờ đó, tín dụng cho vay bất động sản đang có xu hướng tăng trở lại. 

Minh Phương/Báo Tin tức
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời lý do 'ngân hàng chỉ bán vàng, không mua lại'
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời lý do 'ngân hàng chỉ bán vàng, không mua lại'

Trong Phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng 11/11, Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để bình ổn giá được người dân đồng tình. Tuy nhiên, đại biểu thắc mắc việc NHNN chỉ bán chứ không mua khiến nhiều người dân gặp khó khăn, họ phải tìm tới "chợ đen"?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN