Tại hội nghị, các đại biểu tham gia ý kiến tập trung vào một số nội dung như: về phạm vi điều chỉnh (Điều 2); đối tượng áp dụng (Điều 3); giải thích từ ngữ (Điều 4); quyền thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức công đoàn (Điều 5) và hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam (Điều 6), cùng một số nội dung khác.
Theo ông Nguyễn Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng, Luật Công đoàn năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước, phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn của tổ chức Công đoàn trong xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới, trong đó có những nội dung chưa hoàn toàn tương thích với Hiến pháp 2013. Ngoài ra, những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức công đoàn, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền công đoàn tại doanh nghiệp có nhiều điểm khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn 2012. Do vậy, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Phiệt đóng góp một số nội dung cụ thể về khẳng định địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; sử dụng nguồn kinh phí công đoàn, sử dụng tài chính công đoàn (khoản 3, khoản 4, Điều 27).
Đối với nội dung liên quan đến nguồn kinh phí công đoàn và sử dụng tài chính công đoàn, ông Nguyễn Văn Phiệt đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật nội dung về miễn, giảm kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn. Cần có quy định cụ thể các trường hợp được miễn, giảm kinh phí công đoàn.
Vấn đề được nhiều đại biểu đề cập đó là quy định về chi trích lại kinh phí công đoàn. Theo các đại biểu, việc chi trích lại kinh phí công đoàn không nên đưa vào Luật mà nên có quy định, hướng dẫn tại các văn bản dưới Luật. Nhiều đại biểu cũng nêu, theo quy định hiện hành, việc định biên cán bộ công đoàn chuyên trách giảm, trong khi chỉ tiêu thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, kết nạp đoàn viên mới càng ngày càng tăng, tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho biết, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều người. Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã mời hầu hết các cơ quan, tổ chức đại diện trên địa bàn thành phố để lấy ý kiến. Các ý kiến đóng góp đều cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Đối với những nội dung nhiều đại biểu quan tâm như bố trí cán bộ để đảm bảo hoạt động của tổ chức công đoàn, quy định về trích lại nguồn kinh phí, ông Lã Thanh Tân đề nghị các đại biểu có những đóng góp ở các buổi lấy ý kiến tiếp theo của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cũng như các cơ quan chức năng khác, để vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định về tài chính, về tinh giản biên chế, song vẫn phải đảm bảo nguồn lực để phục vụ các hoạt động của tổ chức công đoàn.