Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã có trao đổi với đại biểu Quốc hội về những tồn tại, khó khăn cản trở tăng trưởng, cũng như giải pháp tháo gỡ để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đăk Nông): Điều trị “bệnh” sợ trách nhiệm
Đầu tư công có vị trí, vai trò hết sức quan trọng dẫn dắt nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện tốt sẽ tạo đà cho kinh tế tăng trưởng, thậm chí là bứt phá. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 chậm, mới đạt 47,29 %, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (53 %).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đầu tư công chậm, nhưng tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản nhất là trách nhiệm; trong đó, có trách nhiệm của các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ nhưng chưa triển khai thực hiện quyết liệt.
Nguyên nhân thứ 2 một phần do thể chế, đây là điều rất quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu trong hôm khai mạc kỳ họp rằng, thể chế là điểm nghẽn lớn nhất và là điểm nghẽn của “điểm nghẽn”. Trong kỳ họp này, Quốc hội cũng đang thực hiện một luật sửa nhiều luật để khắc phục những điểm nghẽn này. Đây là một giải pháp rất tích cực.
Tôi cho rằng, cần phải phân cấp, phân quyền mạnh và giao cho các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước các quyền được giao.
Một vấn đề nữa là phải “điều trị” cho “đến nơi đến chốn” bệnh sợ trách nhiệm. Đối với giải ngân vốn đầu tư công, liên quan đến các luật, các quy định của các ngành, các cấp. Do đó, phải được minh bạch, rõ ràng và phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và giám sát chặt chẽ.
Đặc biệt là “bệnh” sợ trách nhiệm, theo tôi, cần phải rà soát lại để khắc phục triệt để vấn đề này, nhưng về thể chế và các quy định cũng phải đảm bảo để cho các chủ thể yên tâm trong thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể là các thể chế và quy định cần phải đảm bảo yếu tố nhận thấy rõ, dễ thực hiện và trong các quy định của pháp luật cần phải chặt chẽ, minh bạch và đảm bảo cho quá trình thực hiện.
Tôi kỳ vọng, kỳ họp này sẽ gỡ được các điểm nghẽn thể chế nhằm thúc đẩy cho giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Sau khi Luật đầu tư công (sửa đổi) với cách tiếp cận cầu thị nhất, việc sửa luật mới đi vào cuộc sống và đầu tư công mới thực hiện đảm bảo hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước.
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc): Tháo gỡ về thể chế
Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức trên 7% là rất cao, do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phục hồi chậm. Cùng đó, năm 2024, Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ; Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều chính sách để miễn, giảm hoặc giãn nợ, gia hạn nợ. Vì vậy, không thể phủ nhận rằng, nền kinh tế sẽ còn những khó khăn để thực hiện đượcmục tiêu tăng trưởng như dự kiến kế hoạch đặt ra.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong vấn đề là giải quyết những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025.
Tôi nghĩ rằng, giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng, đầu tiên phải tháo gỡ về thể chế, vì tất cả các vướng mắc đều bắt đầu xuất phát từ thể chế, qua đótháo gỡ được được những “nút thắt” để thúc đẩy phát triển. Các bộ, ngành, địa phương cũng như Chính phủcần quan tâm đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch năm 2025.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu): Tái thiết vùng ảnh hưởng do bão, đảm bảo tăng trưởng
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội, sự điều hành năng động, sáng tạo, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự kiến cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%, thu ngân sách nhà nước ước tăng trên 10%.
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhờ sự phát triển bền vững và năng lực điều hành linh hoạt của Chính phủ, dự báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới, khẳng định vai trò nổi bật của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế.
Trong những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và số 6, Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo việc phòng, tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.
Tuy nhiên, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng.