Bình Thuận đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 tăng từ 8 - 8,5%
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, chiều ngày 18/7, Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã bế mạc (kỳ họp kết thúc sớm hơn thời dự kiến). Kỳ họp đã thông qua 18 Nghị quyết quan trọng và đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay. Tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2024 tăng từ 8 - 8,5%.
Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: Để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt 8 - 8,5% là 1 thách thức lớn, cần phải có những giải pháp quyết liệt, sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong thời gian tới. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định: thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện; thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực theo hướng phát triển 3 trụ cột: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.
Tỉnh triển khai phát động đợt thi đua nước rút 6 tháng cuối năm để hoàn thành đạt 95% giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội như: Cảng hàng không Phan Thiết, đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện), đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà), đường ĐT.719B (đoạn Hòn Lan - Tân Hải), kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), công viên sinh thái ngập nước Hùng Vương, hồ chứa nước Ka Pét…
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, thông qua 18 Nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, những nghị quyết được thông qua sẽ có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. HĐND tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghị quyết nghiêm túc, hướng dẫn, bố trí nguồn lực, đảm bảo tính khả thi của các chính sách mà HĐND tỉnh đã thông qua.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị GRDP tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, đứng vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố cả nước. Bình Thuận tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, tổ chức gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại Lễ công bố Quy hoạch, tỉnh Bình Thuận đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng; trao bảng ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 07 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực. Từ đầu năm đến nay có thêm 5 dự án lớn đưa vào hoạt động với tổng vốn là 1.260 tỷ đồng.
Kiên Giang: 17 nghị quyết về kinh tế, văn hóa - xã hội
Trong 2 ngày 17 - 18/7, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 24 sơ kết việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; xem xét quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua 17 Nghị quyết về kinh tế, văn hóa, xã hội trên các lĩnh vực đầu tư công, thu - chi ngân sách, môi trường, sử dụng đất, xây dựng nông thôn mới, thu học phí… Trong đó, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang năm 2024 đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trở lên. Tỉnh phấn đấu thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm, để đạt và vượt kế hoạch năm 2024. Cụ thể như: Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt ít nhất 95%, giá trị sản xuất công nghiệp từ 29.947 tỷ đồng trở lên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hơn 449 triệu USD, thu hút trên 3,75 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước…
HĐNĐ tỉnh đã xem xét, thống nhất cao bầu Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Hồ Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại Kỳ họp, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ kết quả đạt được cũng như hạn chế, khó khăncủa tỉnh.
HĐND tỉnh đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân tộc tỉnh và Cục thi hành án dân sự. Nội dung chất vấn tập trung những vấn đề cấp thiết của đời sống kinh tế - xã hội được cử tri trong tỉnh, các đại biểu HĐND quan tâm. Cụ thể như: việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thực hiện các dự án chống sạt lở bờ biển và phục hồi tuyến đê, kè biển; chuyển đổi số và số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước cấp huyện, xã; thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh, việc chất vấn và trả lời diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn và Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình khá đầy đủ ý kiến của các đại biểu đặt ra một cách thẳng thắn, không né tránh, đúng trọng tâm vấn đề chất vấn; đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm, hướng khắc phục, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang, các nghị quyết được thông qua là những nghị quyết quan trọng, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. HĐND tỉnh yêu cầu, Thường trực HĐND và UBND tỉnh triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân. HĐND tỉnh giám sát, vận động nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nghị quyết này.
Hà Tĩnh đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, bứt phá kinh tế - xã hội
Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã diễn ra trong 2 ngày từ 17 đến 18/7, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và đề ra giải pháp phát triển 6 tháng cuối năm.
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Hà Tĩnh ngoài việc đánh giá sự tăng trưởng phát triển về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm mà còn đưa ra các giải pháp về đẩy nhanh, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp các đơn vị đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc-Nam, dự án đường điện 500kV đoạn qua địa bàn tỉnh. Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ dự án Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy Pin của Tập đoàn Vingroup, Khu công nghiệp VSIP... Tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn cho Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Phấn đấu khởi công mới một số dự án, nhất là Dự án khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, Không gian Văn hóa Nguyễn Du - Truyện Kiều, Bảo tàng tỉnh, Khu đô thị Ecopark…
Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh: HĐND tỉnh ghi nhận sự đóng góp và những khó khăn, vất vả của gần 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Bắc - Nam, dự án đường điện 500kV, trong đó có 520 hộ dân phải tái định cư, di dời gần 2.000 ngôi mộ, hàng chục trang trại chăn nuôi và nhiều vật kiến trúc để phục vụ triển khai dự án.
Ông Hoàng Trung Dũng đề nghị những tháng cuối năm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; Gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, địa phương về kết quả giải ngân đầu tư công...
Với quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.