Hiến pháp mới phải thể hiện được tâm nguyện của toàn Đảng, toàn dân

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch UBTƯMTTQVN Huỳnh Đảm cùng các đại biểu nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo dự hội nghị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 27/3.Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN


Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯMTTQVN Vũ Trọng Kim báo cáo khái khát tình hình triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đồng chí nhấn mạnh tầm quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa trọng đại trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị; khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong thời gian qua đã thu hút khá đông đảo các tầng lớp; huy động trí tuệ, tâm huyết, đồng thuận của nhân dân, thể hiện trách nhiệm cao của mỗi cá nhân, tổ chức đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp. Tại hội nghị lần này, UBTƯMTTQVN mong muốn tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu.


Tiếp tục góp ý vào các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu nhân sỹ, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo đã phân tích tình hình thực tiễn và đưa ra những kiến nghị cụ thể. Ông Phạm Xuân Hằng, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN khẳng định việc xây dựng Hiến pháp dân chủ hơn chính là cơ sở để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hằng nhấn mạnh thực tế lịch sử hơn 80 năm qua, những thắng lợi của đất nước không tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Do đó vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử, nên tất yếu phải được hiến định. Trước yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, việc thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng là nhu cầu cấp thiết và tất yếu. Thế và lực của đất nước hiện thời là điều kiện để Đảng thể hiện trí tuệ, khẳng định bản lĩnh và trách nhiệm, gắn bó mật thiết với dân; phục vụ nhân dân với trách nhiệm được hiến định.


Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội là nội dung được các đại biểu tập trung góp ý với mong muốn khẳng định và thể hiện rõ hơn nữa tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Một số ý kiến cho rằng nội dung tại Điều 9 dự thảo chưa truyền tải được vai trò phản biện xã hội của MTTQ; qui định “động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát” khiến MTTQ như “đứng ngoài cuộc” chưa phải là chủ thể thực hiện chủ quyền nhân dân.


Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, nguyên ủy viên Hội đồng tư vấn pháp luật UBTƯMTTQVN nhấn mạnh, sửa đổi Hiến pháp phải làm sao thực sự đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Là người có nhiều năm công tác trong ngành tòa án, bà cho rằng việc quy định chế định cho các ngành công an, tòa án, kiểm sát hết sức quan trọng. Đề cập nguyên tắc xét xử của tòa án, bà Lệ đề nghị cần khẳng định vai trò của Hội thẩm tại tòa án, qui định “khi xét xử, hội thẩm được ngang quyền với thẩm phán” mới đảm bảo quyền của người bị xét xử.


Góp ý Điều 5, dự thảo Hiến pháp, ông Lù Văn Que, ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQVN cho rằng đồng bào các dân tộc rất coi trọng và mong muốn Hiến pháp sửa đổi xác định rõ và quy định rõ vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc; quyền và nghĩa vụ của các dân tộc; các nguyên tắc chính sách giải quyết vấn đề dân tộc; trách nhiệm của Nhà nước trong phát huy nội lực của các dân tộc.


Lễ sanh Thượng Mai Thanh, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng Điều 25 dự thảo ghi quyền tự do tín ngưỡng của công dân là đầy đủ; bày tỏ hy vọng bản Hiến pháp mới đem lại cho nhân dân quyền phúc quyết đối với những vấn đề trọng đại, có tính dân tộc, thời đại và lâu dài.


Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh sự có mặt của đại diện nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng. Chủ tịch đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, cô đọng, sâu sắc, góp phần thực hiện thành công Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Chủ tịch nước cho rằng, Hiến pháp là văn bản chính trị pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc và việc lấy ý kiến nhân dân nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Thời gian qua, việc ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết cho thấy Đảng, Quốc hội đã định hướng chủ trương rõ ràng. Vấn đề còn lại tổ chức thế nào cho thiết thực và điều quan trọng là bản Hiến pháp mới phải thể hiện được tâm nguyện của toàn Đảng, toàn dân. Chủ tịch nước ghi nhận UBTƯMTTQVN đã tiếp thu được khoảng 8 triệu ý kiến đóng góp dưới nhiều hình thức tổ chức tập hợp, nhấn mạnh đây là khối tài sản quý phải được tập hợp, tổng hợp và truyền tải khách quan, đầy đủ cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Quốc hội.


Chủ tịch nước cho rằng, việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ tiếp tục thực hiện đến tháng 9 năm nay, Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQVN và Văn phòng Chủ tịch nước cần nỗ lực nhiều hơn trong việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, để đất nước có được bản Hiến pháp mới khẳng định cơ sở chính trị pháp lý quan trọng cho công cuộc hội nhập và phát triển.


Hoàng Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN