Hoạt động nhằm đánh giá những thành tựu nổi bật của lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam nói chung và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nói riêng trong thời gian qua; làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển lực lượng; khẳng định sự cần thiết hoàn thiện khung pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho rằng, Việt Nam đã chứng minh cam kết mạnh mẽ đối với việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới sự dẫn dắt của Liên hợp quốc. Kể từ khi chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình vào năm 2014, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, không những về mặt nhân lực mà cả về chuyên môn và sự sẵn sàng cống hiến cho sứ mệnh chung.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, hoạt động gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi hay các khu vực xung đột khác mà các chiến sĩ, cán bộ y tế Việt Nam đã tham gia đều mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, mà còn tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh về một đất nước yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, sẵn sàng hợp tác vì sự phát triển bền vững và ổn định toàn cầu.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, theo bà Phạm Thị Thanh Huyền, cũng còn nhiều thách thức đáng kể trong việc tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình. Do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế là một yêu cầu cấp bách. Một hệ thống pháp lý đầy đủ và hoàn thiện sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của các lực lượng tham gia, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế của quá trình thực thi nhiệm vụ.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền nêu ý kiến, trước hết, cần phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các quy định liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn, và nghĩa vụ của các bên tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình. Đây là cơ sở để Việt Nam có thể đàm phán, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả.
"Việc xây dựng các cơ chế pháp lý về đào tạo, huấn luyện và trang bị cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp đảm bảo chất lượng và khả năng thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng, mà còn tạo cơ sở pháp lý để hỗ trợ họ khi gặp khó khăn, tai nạn hoặc tổn thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ", Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nhấn mạnh.
Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định, trong suốt hơn 10 năm qua, lực lượng Mũ nồi xanh Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc, chỉ huy các phái bộ, chính quyền nước sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã và đang góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, các đại biểu đánh giá, hành trình hơn 10 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã gặp không ít trở ngại, thách thức, trong đó vấn đề về hệ thống pháp lý và chính sách liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ và chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, để hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, việc xây dựng và hoàn thiện một hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ là hết sức cần thiết, qua đó góp phần bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về hòa bình, hợp tác và phát triển trên toàn cầu.