Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết, Đoàn kiểm tra muốn nắm bắt kết quả thực hiện Luật Giám định tư pháp, Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250) tại thành phố Cần Thơ thời gian qua, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện luật ở địa phương trong hoạt động tố tụng, trưng cầu giám định, thực hiện giám định tư pháp.
Từ những vướng mắc, khó khăn đó thành phố đã có những phương pháp nào để tháo gỡ, nhất là sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ngành có liên quan đến hoạt động giám định. Đoàn kiểm tra sẽ ghi nhận, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định trong thời gian tới, đồng thời có báo cáo cho Ban Chỉ đạo Trung ương. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra ghi nhận các kiến nghị của địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, hiện nay Bộ Tư pháp đang tiến hành tổng kết Luật Giám định tư pháp và Đề án 250 để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để có nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) và tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám định trong tình hình mới.
Từ thực tiễn cơ sở, Đoàn kiểm tra mong muốn lắng nghe các ý kiến từ các sở, ngành của thành phố Cần Thơ đóng góp các giải pháp giúp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật cũng như Đề án 250; những vướng mắc, khó khăn chung của công tác giám định trên toàn quốc mà Cần Thơ cũng gặp phải...để tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế.
Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ quan tâm hơn nữa đến công tác giám định, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho việc giám định. Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, đầu tư không chỉ phục vụ cho địa phương mà còn cho vùng Tây Nam Bộ.
Theo UBND thành phố Cần Thơ, trên địa bàn hiện có 5 tổ chức giám định tư pháp, trong đó có 3 tổ chức giám định tư pháp công lập và 2 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Cần Thơ có 105 giám định viên tư pháp; 36 người giám định tư pháp theo vụ việc. Đội ngũ này cơ bản đáp ứng được nhu cầu giám định trong giải quyết các vụ việc.
Thời gian qua, thành phố quan tâm tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến công tác giám định tư pháp bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu ban hành kế hoạch kiểm tra về công tác giám định tư pháp. Sở Tư pháp đã tiến hành 2 đợt kiểm tra và tham gia một đoàn kiểm tra về giám định tư pháp. Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, các tổ chức giám định và giám định viên tư pháp thực hiện giám định 9.729 vụ việc.
Báo cáo của 2 tổ chức giám định tư pháp do địa phương quản lý (Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật Hình sự thuộc Công an thành phố) cho thấy, mặc dù thiết bị, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động giám định, tuy nhiên hiện tại đã cũ, lạc hậu, gây khó khăn cho công tác giám định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị các đơn vị được kiểm tra xây dựng kế hoạch những vấn đề cần khắc phục ngay mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Xác định rõ nhiệm vụ được giao, nhất là đối với đội ngũ giám định viên; kiện toàn lại đội ngũ giám định viên của đơn vị.
Ông Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu các đơn vị cần có mốc thời gian, lộ trình cụ thể để khắc phục các hạn chế, tồn tại trong quá trình hoạt động như cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị phục vụ cho công tác. Tham mưu cho Thủ trưởng đơn vị có văn bản kiến nghị gửi UBND thành phố về các khó khăn, vướng mắc đơn vị đang gặp phải để UBND thành phố chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ giao Sở Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng phối hợp Trung tâm Pháp y tâm thần Tây Nam Bộ và các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện hồ sơ xây dựng trụ sở làm việc của Trung tâm tại quận Ô Môn.
Trước đó, Đoàn kiểm tra đã làm việc với các cơ quan: Trung tâm pháp y thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục Thuế thành phố, Trung tâm pháp y tâm thần Tây Nam bộ và Công an thành phố Cần Thơ. Đoàn đánh giá sơ bộ công tác giám định tư pháp được các cơ quan thực hiện đảm bảo.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ giám định tại một số đơn vị còn thiếu, chưa có trang thiết bị chuyên dùng. Qua kiểm tra hồ sơ giám định còn một số hạn chế…như cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác.